Hôm nay,  

Đi tới NIRVANA

23/07/202312:05:00(Xem: 1642)
Tôn giáo

walking buddha
Tượng Phật đi -- Thái Lan, thời kỳ Sukothai, thế kỷ 14, bằng đồng, cao 28cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng viện Anh quốc, London.


(Ý nghĩa thâm nghiêm của tượng phật đi. Xin tri ân tác giả Huỳnh Thanh Bình).

 

Canh khuya giấc điệp mơ màng,

Kìa ai thao thức bên giường cạnh tôi.

Giấc xuân chợt tỉnh bồi hồi,

Kìa ai bế ẵm, kìa ai dỗ dành?

 

Là ai? Khi đó, thầy giảng về kinh hiếu tử, kinh đại báo phụ mẫu trọng ân, thầy Quảng Độ, thầy cứ giảng thao thao, rồi bất chợt, ngừng giảng, thầy đọc một hơi bốn câu thơ trên. Thầy ngừng nói một giây và nhìn chúng tôi, một đám phật tử, đệ tử ngây ngô, y là vịt đang nghe sấm, vì không ai trả lời. Thầy đi qua lại, rồi đứng im, thầy đan hai bàn tay khít vào nhau để vòng thõng xuống phía trước bụng, đưa qua đưa lại, như bế, như dỗ dành một đứa bé thơ đang nhõng nhẽo, quấy khóc. May quá, có chị Diệu Thảo, mau mắn, tỉnh táo, đứng lên trả lời thầy:
    – Dạ, là mẹ ạ…
    – Chứ còn ai vô đó nữa!
    Có vậy thôi, chỉ có bốn câu thơ và hai bàn tay lồng vào nhau đưa qua đưa lại, mà mãi mãi đến giờ này, chúng tôi không quên kinh báo ân và nhứt là không quên thầy. Thầy Quảng Độ. Thầy sinh quán ở Thái Bình, khi nước nhà đang chìm đắm mịt mờ trong ảnh hưởng đệ II thế chiến và chiến tranh Đông Dương phức tạp. Năm 14 tuổi ngài xuất gia, nhưng vẫn lo cả việc đạo việc đời, ngài tình nguyện đi cứu đói năm Ất Dậu 1945. Năm 1952, ngài rời quê hương, rời mẹ đi du học ở Tích Lan và Ấn Độ, khi trở về Việt Nam, vì hoàn cảnh đất nước phân ly chia cắt, ngài về miền Nam tự do để hoằng dương phật pháp, vì như vậy, tình mẫu tử sự gần gũi với mẹ và gia đình bị gián đoạn.
    Tháng 2 dương lịch 1982, hòa thượng Quảng Độ đang ở Thanh Minh thiền viện thì bị trục xuất ra khỏi thành phố Saïgòn, 7 năm sau ngày mất miền Nam tự do. Trước đó một tuần lễ, không biết nghe phong phanh tin tức từ đâu, mà hai cô phật tử Diệu Thảo và Diệu Thịnh nghi ngờ sắp có tai họa nữa đến với thầy, họ vội lại thiền viện thăm, lúc nào phật tử cũng sợ thầy lại vô tù lần nữa, đến thăm thì thầy trò nói chuyện vu vơ  hồi lâu quanh đó công an vẫn lảng vảng canh gác dò la. Sau cùng, Diệu Thảo buồn buồn nói câu như để từ giã:
    – Vậy là có thể thầy lại phải đi nữa.
    – A Di Đà Phật, đi thì đi, có sao đâu mà lo sợ, đã đi thì phải đi tới cùng. Thầy từ tốn trấn an. Nhưng rồi vài giây sau, khi với tay cài vòng dây xích quanh cổng chùa, thầy cười nói thêm:
    – Nói vậy, là đi phải đi tới cùng, mà cũng không biết đâu là cùng, các con à.
    Thầy chúng tôi thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, am tường sâu sắc có là không, không là có, đi là đến, đến là đi, nên thầy an nhiên tự tại trước mọi thay đổi của hoàn cảnh, nhất là sống trong nghịch cảnh với cộng sản, thì nhiều thay đổi là cơ man chóng mặt.
    Không biết thầy có ngờ được là lần này thầy không vào tù ra khám như những năm trước nữa, mà thầy bị công an trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam, thầy bị phát vãng lưu đầy, cộng sản áp tải thầy một buổi sáng ra khỏi Saïgon. Cánh cổng thiền viện Thanh Minh khép lại ken két sau lưng, họ đuổi thầy, thầy như bị lưu đầy phát vãng về tận miền Bắc xa xôi, đó lại là quê hương bản quán, tỉnh Thái Bình, từ đó thầy trụ ở chùa Long Khánh, nơi đây thầy sống với mẹ già, thầy nuôi mẹ ở trong căn nhà lá sau chùa từ năm 1982 tới năm 1994, với điều kiện kinh tế hạn hẹp, với những bữa cơm rau thanh đạm bằng gạo « ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh », là gạo mốc, gạo lép, có lẫn đầy vỏ thóc.
    Cuộc sống mẹ con lúc bấy giờ rất cơ hàn nhưng với tư cách và lòng tự trọng của một bậc lãnh đạo tinh thần nhiều triệu tín đồ Phật giáo miền Nam, ngài không hề nói tới hay than van (theo ý anh Trần Trung Đạo). Ngài luôn giữ đạo tâm kiên cố và lưng thẳng trước mọi nghịch cảnh, ngài thể hiện hiếu đạo rất tận tình, rất thiêng liêng với thân mẫu, ngài luôn đi, đi tới, hướng tới chân trời cao rộng của đức Như Lai.
    Khi thân mẫu qua đời năm 1994, lo hậu sự chu đáo xong. Ngài vụt đi trở vào chùa Từ Hiếu trong Nam, về với Phật tử, với Phật tổ. Không thể tưởng tượng nổi, một người già trên 70 tuổi, mà vượt đường trường từ Bắc vô Nam, qua bao trạm gác canh chừng khắt khe. Thưa vâng, ngài khi đi xe, lúc đi bộ, đi một vèo qua hơn 1780km suôn sẻ như ý muốn, cả nước hoảng hồn, công an có lẽ có lúc cũng giằng co, nhưng ngài đã về tới, chắc hẳn là có thiên long bát bộ và chư phật cứu giúp độ trì.
    Suốt đời thầy, lúc nào thầy cũng nghĩ tới đi, đi làm phật sự, đi  cứu trợ thiên tai, đi nâng đỡ tinh thần thanh niên sinh viên phụng sự xã hội… Nơi nào cần là thầy đi tới, đi hoằng pháp độ sanh, đi tranh đấu cho tự do tôn giáo, đi khai phóng giáo dục và mở trường Bồ Đề trong rất nhiều năm trời, giáo hóa học sinh nghèo. Ý niệm và mục đích giáo dục của thầy hoàn toàn bố thí và vị tha, không một chút vụ lợi mảy may nào.
    Ý niệm tu hành, thiền hành, phật sự hành, nơi thầy luôn nhất quán và sánh bước cùng nhau. Nay, thầy chúng tôi đã thong dong đi vào cõi an nhiên tịch mịch. Khi tưởng niệm về thầy, người ta liên tưởng tới hình ảnh một tượng Phật đi.
    Nhắc tới tượng Phật đi, người viết xin nhớ, gợi nhớ về dịch giả Hoàng Phong, ông kể về tượng Phật đi mà ông đã mua được ở Tích Lan với một niềm hoan hỉ đặc biệt. Ông rất trân quý mô tả tượng như sau: đó là tượng đức Thích Ca đang đi tới với các thủ ấn: bàn tay trái  để ngửa, tượng trưng cho sự bố thí, bàn tay phải đưa ra phía trước, tượng trưng cho sự che chở, ngón cái ngón trỏ chạm vào nhau, là sự thuyết giảng. Chân trái hơi co lên là cho thấy sự đi tới. Có nghĩa là pho tượng không đứng yên một chỗ mà ngài đang đi, bánh xe đang chuyển pháp luân.
    Ở nhiều nơi kể cả ở Việt Nam, tượng Phật đi rất hiếm, có lẽ tạo tư thế đi không dễ. Còn như Phật thoại đã kể, khi Như Lai ra đời, ngài đã đứng lên đi bẩy bước, mỗi bước đi có một đóa hoa sen nở đỡ dưới chân. Phật thoại đó cũng không ngoa, vì trong phòng khám các trẻ sơ sinh, test d’asgar cho thấy các bác sĩ đỡ hai bên mạng sườn, các em bé đều bước đi nhiều bước trên bàn khám, rất phản xạ và phấn khích, cảm động.
    Lại nói về cuộc đời của Như Lai, sau khi đắc đạo, ngài đã dùng cả thân giáothuyết giáo để giảng dạy chi tiết cặn kẽ trong kinh tương ưng: « Từ vô thủy cho tới ngày nay, chúng sinh đi, đi là hành nghiệp, làm nhiều nghiệp nên trôi lăn luân hồi trong lục đạo. » Vậy gặp cơ may, cơ duyên lành gặp Phật pháp, có hiểu mới tu hành được, đây là nền tảng triết lý thiết lập nên sự hiểu biết và sự tỉnh thức do giác ngộ mà đạt được. Tự đi, tự giác một mình mình, đừng trông chờ vào một sự linh thiêng phù trợ nào ở ngoài ta cả.
    Từ phút suy nghĩ chiêm bái trong thâm sâu, qua hình ảnh di động tuyệt vời của tư tưởng, người ta không còn chú ý nhiều về mỹ thuật tạo dáng mà để hết tâm tưởng vào những ý nghĩa thâm nghiêm của tượng Phật đi. Đi, là hành một trong 4 tư thế năng động căn bản của giáo pháp: Hành trụ tạ ngọa, đi đứng ngồi nằm.
    Đây là những quy luật mà các tỳ kheo, tỳ kheo ni tu học theo để giữ giới cho nghiêm cẩn, không buông thả, không giãi đãi.
    Hành như phong, là đi như gió, nhẹ nhàng thanh thoát.
    Trụ như sơn, là đứng phải vững vàng, như núi, như tùng, bách.
    Tọa như chung, ngồi nghiêm trang cẩn thận như chuông.
    Ngọa như cung, nằm khoan thai như cung.
    Tứ đại uy nghi biểu hiện thành hình tướng đạt chuẩn khi vị tu hành cảm thấy tự nhiên, không còn gò bó trong mọi động tác hằng ngày.
    Ba trạng thái, trụ, tọa, ngọa ở trạng thái tĩnh, còn hành, ở tư thế động vì thế nên tượng Phật đi khó tạo tác nhất.
    Tượng Phật đi bắt nguồn từ các biểu tượng của người Khmer và người Sri Lanka từ thế kỷ thứ VIII: nghệ thuật Sokuthai ở thế kỷ XIII-XIV nhằm thiết kế nên sự biến đổi và tạo dáng Phật đi thanh thoát hơn, tượng Phật đi đắp y vàng (gọi là đại y, y tăng già lê) như tung lên một chuyển động cùng bước đi. Phật dậy chúng sanh hành, là đi, là đi đâu? đi đến sự tỉnh thức, đi về NIRVANA, là niết bàn, bên cạnh NIRVANA, là vô minh, bản chất của vô minh là khổ đau.
    Vậy chúng sanh đi, để tránh sự vô minh, tới sự tỉnh thức, không có gì khó hiểu cả, đến NIRVANA, đến sự không còn nữa trong liên hệ giữa ta nhỏ bé và vòng luân hồi cay nghiệt. Tượng Phật đi, đang đi, ngài đang gióng lên tiếng chuông tỉnh thức, tỉnh thức bằng kỷ luật sống của mỗi con người theo tam quy ngũ giới. Hãy ngắm nhìn Phật bằng một cảm nhận trung thực, không có mặc khải, không van xin một ân huệ thiêng liêng, không cầu cứu, khi chúng sanh cảm nghiệm được tính tuyệt vời đại giác ngộ của Phật tổ, y là ngài hiện ra cho ta một tính thể huyền nhiệm siêu thoát:
    Như hoa bay ngập cả khung trời Mạn Đà La như tuyết trắng tinh khôi phủ đầy Hy Mã Lạp Sơn như nhạc thinh không đang rung rung tiếng!
    Trong nguyệt san Giác Ngộ số 197, tác giả Huỳnh Thanh Bình kể rằng lần đầu tiên ông được chiêm ngưỡng bức tượng Phật đi ở chùa Ba Xe, Trà Vinh, do nghệ nhân Thạch Tư, người Khmer tạo tác từ trước năm 2010, là một tác phẩm quý và hiếm ở Việt Nam. Dạng tượng tròn, xuất hiên với dáng đi duyên dáng, một chân khẽ nhấc cao lên như lướt trên không, một tay bắt ấn thí vô úy.
    Phật thoại là nguồn cảm hứng để các nghệ nhân Sukhothai tạo tượng đi, tượng Phật đi từ đó, mang nhiều ý nghĩa thâm nghiêm hơn là mỹ thuật và nghệ thuật, tất cả tính thể huyền nhiệm như xuất phát từ các Phật thoại lâu đời và xa xưa sau:
    Một mùa chay mùa báo hiếu, Đức Phật đến cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ ngài là hoàng hậu Maya. Sau mùa chay đó, Đức Phật trở về trần gian bằng chiếc thang pha lê. Thần Indra và thần Brahma bước từng bước theo ngài trên chiếc thang này và có chư thiên cung nghênh cúng dường. Cầu thang là biểu tượng của sự vươn tới hiểu biết, của sự thăng thượng tới nhân chân và chuyển hóa. Phía cầu thang đi xuống là sự hiểu biết huyền bí và là những chiều sâu của vô thức. Cầu thang rất gần với ý tưởng về trục của thế giới. Ngoài ra, hình ảnh Đức Phật đi lên hóa độ cho mẹ ngài là để truyền dậy hiếu đạo cho mọi chúng sanh. Trong kinh Hiếu Tử, Phật dậy rằng con nuôi cha mẹ, ngoài việc phụng dưỡng chăm sóc, con cần làm sao cho cha mẹ giác ngộ đạo pháp và thoát khỏi luân hồi, đó là đạo hiếu trong sự viên dung lý và sự vẹn toàn.
    Một quan điểm lại nghĩ là Phật đi là hình tượng của ngài trong tư thế ngăn pho tượng gỗ đứng dậy. Đó là bức tượng ngài giơ tay trái lên phía trước, câu chuyện hình tượng này được kể như sau:
    Khi Phật về thăm mẹ ngài, vua Ưu Điền Vương / Udayana sau đó đặt tạc một tượng Phật bằng gỗ chiên đàn và đặt ở thất. Có chi tiết nói rằng, khi Phật quay lại, tượng gỗ chiên đàn đó từ bệ đứng lên đảnh lễ ngài, ngài liền giơ tay ngăn tượng gỗ đứng lên, đây là một nguyên ủy của tượng Phật đi.
    Còn có một nguyên ủy thứ ba giải thích rằng, sau khi thành đạo, ngài đang ở gốc cây, bên bờ Ni Liên Thiền, ngài trầm tư quan sát căn tánh của chúng sanh, sợ chúng sanh còn nhiều luyến ái ngũ trần, khó học đạo. Khi ấy, ngài Phạm Thiên đến cung thỉnh ngài đi thuyết pháp, hóa độ chúng sanh. Cùng lúc ngài nhìn ra ao sen, thấy có cây cao, cây thấp, cây la đà mặt nước, ngài hiểu ngay căn tánh có khác nhau nhưng đều có Phật tánh, ngài quyết định đi truyền bá giáo pháp. Bước đi của ngài biểu hiện việc chuyển pháp luân.
    Khi chúng sanh bước đi là chúng sanh đang hành động, đang hành nghiệp, kể cả nghiệp xấu và nghiệp tốt. Khi đức phật bước đi là bánh xe chuyển pháp luân là có sự giáo huấn nhiệm mầu và chúng sanh có Phật tánh sẽ là những vị Phật sẽ thành.
 

A Di Đà Phật.

 

– Chúc Thanh

(Tháng 7, Vu Lan 2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhóm Vietnamese American Art Club (VAAC) triển lãm hội họa với chủ đề Hương Sắc Quê Nhà...
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù, xung đột, phân hóa và cực đoan. Mạng sống vốn bình đẳng và quý giá của con người đã chẳng còn chút giá trị thiêng liêng và cao quý nào cả trong cái nhìn lạnh lùng và trái tim sắt đá của những nhà lãnh đạo và chính trị gia cuồng vọng, hay của những đảng phái và chủ nghĩa cực đoan, độc tài và tàn bạo! Nhân loại đang rơi vào thảm họa của một thời kỳ nhuốm màu sắc văn hóa cục bộ, phiến diện và bất bao dung. Đó là sắc thái văn hóa, mà trong đó hoặc là anh đúng, hoặc là tôi đúng; hoặc là anh chết, hoặc là tôi sống; không có thỏa hiệp, không có cộng sinh. Và dĩ nhiên, không ai chấp nhận mình sai, cũng không ai muốn mình chết. Cho nên, chúng ta phải quyết đấu nhau, một còn một mất.
Tại Westminster Civic Center (Sunken Gardens) 8200 Westminster Blvd Thành phố Westminster CA 92683, ban Liên Lạc các Hội Đoàn Giới Trẻ Nam California tổ chức Tết Trung Thu năm 2023 cho các em Thiếu Nhi.
Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh. Chuyến hành hương một tháng: Phật tích, hội thảo Phật giáo và từ thiện của Chùa Hương Sen tại ba nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Tích Lan đã khép lại với nhiều thành tựu đáng nhớ. Thành kính tri ân Chư tôn thiền đức Tăng ni và các Phật tử đồng hương xa gần đã ủng hộ cho chương trình Bảo trợ Tăng Ni Sinh du học và Từ thiện ba nước.
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
Cô Liudmyla Chychuk là nhạc sĩ piano người Ukraine, một nhà giáo dục danh tiếng, và là sáng lập viên của Tổ chức “Power of Art” với mục đích giới thiệu âm nhạc, văn học, nghệ thuật và văn hóa cổ truyền của Ukraine đến công chúng Ukraine và thế giới...
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.