Hôm nay,  

Thái Lan, Campuchia Tranh Chấp Biên Giới Giành Quyền Làm Chủ Ngôi Đền Preah Vihear

13/11/201300:00:00(Xem: 10113)
1* Mở bài

Hôm thứ hai 11-11-2013, Toà Án Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice-ICJ), trụ sở tại The Hague, Hoà Lan, một lần nữa khẳng định chủ quyền của Campuchia (CPC) đối với khu vực chung quanh ngôi đền trên 1,000 năm tuổi tên Preah Vihear nằm giữa biên giới hai nước Thái Lan và Campuchia.

Năm 1962, Toà Án nầy cũng ra một phán quyết như thế, nhưng Thái Lan không thi hành vì vấn đề chủ quyền rất phức tạp.

Ngày 8-5-2011, Hội nghị cấp cao Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia đã bế mạc mà không giải quyết được sự tranh chấp giữa hai thành viên của Hiệp Hội là Thái Lan và Campuchia (CPC) về cuộc xung đột biên giới giành quyền làm chủ một ngôi đền. Dù không đạt được kết quả, nhưng hai bên đồng ý tiến hành những cuộc đàm phán về tranh chấp biên giới đã kéo dài gần một thế kỷ nay.

Hai bên giành quyền làm chủ một mảnh đất diện tích 4.6 km2 trên đó có ngôi đền Preah Vihear. Các quan sát viên cho rằng, nguyên nhân tranh chấp bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc và thể diện quốc gia.

Đền Preah Vihear là một kiến trúc do vương triều Khmer thời Angkor xây dựng, nhưng qua những biến cố lịch sử, nó nằm trong khu vực do quân đội Thái Lan kiểm soát, hơn nữa, ngôi đền có cửa vào bên đất Thái Lan.

Ngày 14-2-2011, nội vụ được đưa ra Hội Đồng Bảo An LHQ. Hội đồng họp kín với hai nhà ngoại giao cao cấp của hai nước, trong nổ lực làm giảm bớt sự xung đột làm chết hàng chục mạng người của hai bên.

Bên nầy đổ lỗi cho bên kia là gây hấn trước, nhưng không có một nhân chứng độc lập nào có mặt tại ngôi đền, để làm sáng tỏ vụ việc.

Trong buổi họp, Thủ tướng Thái nói rằng Campuchia đã gây ra cuộc đụng độ, trái lại, Thủ tướng CPC là Hun Sen, than phiền rằng lực lượng quân sự Thái đã xâm lược nước ông.

Thế là lại bế tắc.

2* Đền Preah Vihear

Campuchia có ba ngôi đền nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc trên đá và kỹ thuật kiến trúc, xem là tuyệt đỉnh của người Khmer, LHQ đã đưa vào danh sách các di sản của thế giới. Angkor Wat, tiếng Việt là Đế Thiên, Angkor Thom là Đế Thích, thường đi đôi với nhau thành Đế Thiên Đế Thích, là một kỳ quan của thế giới.

Angkor Wat và Angkor Thom thuộc tỉnh Siem Reap, cách thủ đô Phnom Penh 240 km về phía bắc. Hai đền cách nhau 1.7 km.

1). Angkor Wat (Đế Thiên)

Chu vi 6 km. Tường đá dầy 1m, cao 8m, có 5 tầng tháp. Tháp chính cao 65m. Con đường dẫn đến Angkor Wat bằng đá tảng, dài 230m, mặt lộ rộng 10m, cao 5m so với mặt hồ nước.

Hào nước bao bọc chung quanh ngôi đền rộng 190m. Chính điện Angkor Wat là một kiến trúc 3 tầng: địa ngục, trần gian và thiên đàng.

2). Angkor Thom (Đế Thích)

Các khuôn mặt người cao 23m khắc trên đá ở ngọn tháp tại các cổng đền.

Các đền Angkor là một kiến trúc vĩ đại, nghệ thuật điêu khắc trên đá rất tinh vi.

Trong chiến tranh, Khmer Đỏ dùng nơi nầy làm căn cứ, vết bom đạn còn ghi dấu trên mặt đền. Ngôi đền được Hollywood dùng làm ngoại cảnh cho những cuốn phim được nhiều khán giả ưa thích.

3). Đền Preah Vihear còn gọi là Prasat Preah Vihear

Đền Preah Vihear nằm trên một chỏm núi, thuộc dãy núi Dângrêk (Dângrêk Mountains) nằm giữa biên giới hai nước Campuchia và Thái Lan.

Preah Vihear nghĩa là đền thờ Thượng Đế (God’s Temple) Preah nghĩa là Thượng Đế. Vihear nghĩa là đền thờ.

Năm 2008, ngôi đền được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá LHQ (UNESCO) công nhận là di sản của thế giới. Đây là di sản thứ ba của CPC. Hai di sản khác là Đền Angkor Wat (1992) và “Điệu múa Hoàng gia” (2003)

2.1. Lịch sử đền Preah Vihear

Đền bắt đầu xây từ thế kỷ thứ 9 để thờ thần Shiva, và hoàn thành vào thế kỷ thứ 11 dưới vương triều Angkor của người Khmer.

Ngày 15-6-1962, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice-ICJ) phán quyết rằng ngôi đền thuộc chủ quyền của Campuchia. Thái Lan bác bỏ phán quyết đó.

Toà án Quốc tế vì Công lý là một phân ban trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm 1945. Tòa tọa lạc tại thành phố Den Haag (La Haye,tiếng Pháp), Hà Lan

Các phán quyết của Tòa án Quốc tế nầy chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, và mọi việc đều tùy thuộc vào thiện chí của các quốc gia liên hệ. Theo lý thuyết, nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của tòa, vấn đề có thể được chuyển lên cho Hội đồng Bảo an LHQ xử lý, nhưng việc này thường lâm vào bế tắc vì năm thành viên thường trực thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết.

2.2. Miêu tả đền Preah Vihear

Đền nằm cheo leo trên đỉnh Pey Tadi của dãy núi Dângrêk, phân nửa nền của đền nằm bên Vườn Quốc gia Khao Phra Vihan (Khao Phra Wihan National Park), thuộc huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket của Thái Lan. Phân nửa còn lại của nền thuộc tỉnh cùng mang tên Preah Vihear của Campuchia. Mỏm đá của núi Dângrêt trước kia thuộc Thái Lan.

Cửa ngỏ vào đền Preah Vihear thì nằm trên đất Thái và con đường hình vòng cung nằm dựa sát vách đá cao 120 mét để lên đến đền thờ thì nằm giữa biên giới hai nước. Từ đỉnh con đường nhìn xuống là đất Miên.

Du khách muốn lên viếng đền thì phải đi vào cửa của Vườn Quốc gia Khao Phra Vihan của Thái Lan, (vé vào công viên 200 baht) rồi mới tới cổng lên đền. Du khách từ Campuchia muốn lên thăm đền, thì phải qua biên giới Thái Lan thường bỏ ngỏ, không cần visa nhập cảnh.

Đền dài 800m, chạy dài từ Bắc xuống Nam. Những bậc thang dẫn lên điện thờ cao 120m.

Tóm lại, đền Preah Vihear do các vua Angkor của Khmer xây cất, hiện tại thì nó đứng chàng hảng hai bên ranh giới, một chân đạp trên đất Thái, chân kia thì ở trên và không chấm đất Miên.

3* Vụ đối đầu biên giới Thái-Campuchia

Vào tháng 7 năm 2008, cơ quan UNESCO chấp thuận đơn của Campuchia, xin được đưa tên đền Preah Vihear vào danh sách các di sản của thế giới, thì sự tranh chấp giữa hai quốc gia bùng nổ. Vì CPC đứng tên xin, cho nên UNESCO ra quyết định là theo đơn xin của Campuchia… điều nầy gián tiếp xác nhận CPC là chủ của ngôi đền.

Nhưng kẹt một điều là Thủ tướng Thái lúc đó đã đồng ý với CPC, xin UNESO công nhận đền là di sản của thế giới, tức là của chung của nhân loại. Vụ việc trở nên phức tạp. Di sản thế giới có thể hiểu là của chung, thuộc quyền quản lý của CPC, nhưng lại nằm trên lãnh thổ của Thái Lan.

Dân Thái phản đối và áp lực, nên Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva phải từ chức.

Vấn đề tranh chấp không phải chỉ một ngôi đền, mà chủ yếu là mảnh đất có diện tích 4.6 km2 nằm bao bọc chung quanh ngôi đền hiện do quân đội Thái Lan quản lý.

Ngày 17-7-2008, vào buổi tối, 61 nhà sư và 13 ni cô cùng thường dân CPC đến một ngôi chùa cách đền 200m, chuẩn bị làm lễ đón mừng ngày lễ Phật giáo. Ngôi chùa cũng nằm trên khu vực biên giới đang tranh chấp 4.6 km2. Theo dự tính thì các nhà sư và ni cô sẽ ở trong chùa suốt 3 tháng, vì theo tục lệ lâu đời, các nhà sư không thể ra sân chùa, vì khi đi ra, sẽ đạp lên cây cỏ và côn trùng, phạm tội “sát sanh”. Một toán 50 binh sĩ CPC lấy cớ vào chùa để bảo vệ các nhà sư trong suốt 3 tháng cầu kinh.

Biết được ý đồ chiếm chùa của phía CPC, binh lính Thái đến đuổi ra tất cả. Hai bên ghìm súng vào nhau. Sau đó, binh lính CPC rút lui, vì khu vực nầy thuộc quyền kiểm soát của quân đội Thái từ trước đến nay.

Sự việc nầy mở màn cho những cuộc đụng độ quân sự sau nầy.

3.1. Đụng độ năm 2009

Ranh giới Thái CPC không được vạch ra rõ ràng, sự qua lại khá dễ dàng. Nhiều người Việt vượt biên qua Thái Lan bằng đường bộ, thì theo những con đường mà người buôn lậu xử dụng. Không có những cột móc xác định vị trí, một phần do nhiều mìn bẩy còn sót lại, rải rác khắp nơi trong cuộc chiến giữa CSVN và Khmer Đỏ của Pol Pot.

Ngày 25-3-2009

Campuchia cho biết có 20 binh sĩ Thái xâm nhập lãnh thổ nước nầy, cách ngôi đền 20km, trên đường biên giới. Chỉ huy quân sự hai bên gặp nhau đàm phán, nhưng binh sĩ hai bên vẫn ghìm súng vào nhau trong tình trạng rất căng thẳng.

Ngày 3-4-2009

Hai bên nả đạn vào nhau bằng súng phóng lựu M-79 và đại liên trong 10 phút. Một binh sĩ Thái bị mất chân vì đạp mìn. Phía Thái tố CPC khai hỏa trước, làm thiệt mạng 4 binh sĩ Thái và làm bị thương hơn 10 người.

Thương thảo

Ngày 5-4-2009

Hai bên mở ra những cuộc thương thảo cấp cao, nổ lực làm giảm căng thẳng trong khu vực tranh chấp biên giới.

3.2. Cuộc xung đột năm 2010

Ngày 24-1-2010

Phía Campuchia

Tướng Chear Dara, chỉ huy biên giới, tường thuật, cuộc giao tranh kéo dài vài phút, khi quân đội Thái xâm nhập lãnh thổ CPC. Binh sĩ Thái nổ súng trước, CPC chỉ bắn trả để tự vệ.

Phía Thái Lan

Trung tá Nut Sri-in nói “Giao tranh xảy ra khi một toán tuần tiểu Thái đốn hạ cây cối ở huyện Kantharalak của Thái, thì bị quân CPC dùng súng M-79 và súng tự động bắn vào binh sĩ Thái. Hai bên chiến đấu khoảng 20 phút. Sau đó, quân CPC rút về lãnh thổ của họ. Hai binh sĩ Thái bị thương.
truc-giang-den-preah-vihear-resized
Đền Preah Vihear và bản đồ vị trí đền.

Kết quả

Sau vụ đụng độ, chỉ huy quân sự hai bên gặp nhau, cùng nói là do hiểu lầm. Đồng thời, đồng ý sẽ tìm một giải pháp chung làm giảm bớt căng thẳng.

3.3. Đụng độ năm 2011

Quân đội hai bên giao chiến tại vùng tranh chấp.

64 binh sĩ Campuchia thiệt mạng

30 binh sĩ Thái Lan hy sinh

Sự việc làm cho Thủ tướng Thái bị nhiều sức ép trong nước. Hàng ngàn người Áo Vàng xuống đường biểu tình từ thủ đô Bangkok, đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phải từ chức, vì không kiểm soát được tình hình.

Cả hai Thủ tướng Abhisit và Hun Sen đều gởi thơ yêu Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp.

Nhưng vụ việc vẫn bế tắc.

Ngày 9-2-2011

Thông tín viên đài VOA, Ron Corben, từ Bangkok, tường thuật, trong khi hai nước đang nổ lực tìm một giải pháp ngăn chận sự giao tranh, thì cấp chỉ huy quân sự hai bên tố cáo nhau đã xử dụng bom chùm, một thứ vũ khí bị cấm.

Phía CPC cho biết, một cánh của ngôi đền bị sập vì đạn pháo của Thái Lan.

Ngày 22-4-2011

Một cuộc giao tranh lớn xảy ra làm chết 16 người và làm cho hơn 100,000 thường dân hai bên biên giới phải di tản ra khỏi vùng xung đột.

Ngày 25-4-2011

Hai bên bắt đầu đưa vũ khí hạng nặng vào khu vực tranh chấp. Cuộc đọ súng bước sang ngày thứ tư. Nhân chứng cho biết, hỏa tiễn từ chiến đấu cơ F-16 của Thái Lan bắn xuống phía CPC.

Phía Campuchia tố cáo

Thái Lan đã dùng phi cơ thám thính và hơi độc trong những cuộc tấn công gần đây. Đã bắn hơn 1,000 trái đạn đại bác và súng cối sang phía CPC.

Ngoại trưởng Thái cho biết, Thái Lan sẽ xét lại mọi quan hệ với CPC.

Trong cuộc xung đột biên giới lâu đời nầy, Thái Lan có nhiều biện pháp đối phó khác nhau, tùy theo mỗi Thủ tướng, nhất là do những bất ổn chính trị trong nước. Một Thủ tướng Thái, cùng với CPC xin cho ngôi đền được coi là tài sản thế giới, đã bị phe Áo Vàng phản đối, nên phải từ chức.

Tình hình Thái-Campuchia càng căng thẳng hơn, khi cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan là Thaksin Shinawatra, được Hun Sen mời làm cố vấn kinh tế cho Campuchia. Trước việc nầy, Thái Lan triệu hồi Đại sứ Thái ở Phnom Penh về nước, và hạ thấp bang giao xuống còn cấp Lãnh sự. Phía CPC cũng gọi đại sứ về nước.

Cuối cùng, Thaksin phải từ chức và rời CPC, vì ông bị 2 trát truy nã toàn cầu về tội tham nhũng và khủng bố. Trong thời gian sống lưu vong, Thaksin không ngừng gây xáo trộn chính trị trong nước. Ông điều khiển, giật dây phe Áo Đỏ biểu tình bạo động, gây bất ổn suốt mấy tháng liền. Áo Đỏ, Áo Vàng biểu tình chống nhau quyết liệt cũng vì Thaksin.

4* Áo Đỏ là ai?

Họ đa số là thành phần lao động thành thị và dân nghèo nông thôn, thuộc Mặt Trận Dân Chủ chống Độc Tài (National United Front of Democracy Against Dictatorship-UDD). Khi sinh hoạt, thì tất cả mặc y phục màu đỏ. Thường gọi là Phe Áo Đỏ.

REUTERS

Phong trào nầy có một lực lượng bán quân sự, do cựu Thiếu tướng Khattiya Sawasdipol chỉ huy.

Mục đích của việc thành lập phe Áo Đỏ là chống lại Phe Áo Vàng, thuộc Phong trào Liên Minh Nhân Dân Vì Dân Chủ.

Áo Vàng bị cho là nhóm quý tộc, thân cận với Hoàng gia Thái, là giai cấp thống trị bởi các tướng lãnh, chánh án, các doanh gia tỷ phú.

Mâu thuẩn là kết quả của cái hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội quá lớn.

4.1. Tại sao Áo Đỏ ủng hộ Thaksin?

Thaksin là một nhà kinh tế có tài. Chương trình kinh tế của ông đã cứu Thái Lan ra khỏi cơn suy thoái kinh tế thế giới, và phát triển kinh tế. Chính sách xoá đói giảm nghèo của ông đã cải thiện được đời sống của người lao động nghèo.

Lần đầu tiên Áo Đỏ ra quân với một lực lượng quần chúng hùng hậu, tràn ra đường phố, biểu tình phản đối cuộc đảo chánh của quân đội, vì đã lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, phản đối chính quyền quân sự độc tài.

Năm 2006, 2007, lực lượng Áo Đỏ lớn mạnh, thu hút được hơn 150,000 người đi biểu tình.

Ngày 12-3-2009

Phe Áo Đỏ chiếm các trung tâm lịch sử, trung tâm thương mại, các khách sạn “cao cấp”. Áo Đỏ kéo xuống khu du lịch Pattaya, nơi đang có Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, khiến cho Hội nghị phải đình lại.

Những cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ kéo dài suốt 2 tháng, dẫn tới cuộc xung đột với cảnh sát và quân đội, đốt phá, làm cho nhiều người chết và bị thương.

Áo Đỏ kêu gọi thay đổi tầng lớp lãnh đạo chính trị, mà họ cho là thuộc giai cấp quý tộc, xuất thân từ hoàng gia, tướng lãnh và quan liêu. Trong thời gian biểu tình bạo động và đốt phá, thì Thaksin dùng điện thoại di động từ những nơi bí mật, điều khiển, chỉ đạo cho phe Áo Đỏ hành động.

Phe Áo Vàng biểu tình chống phe Áo Đỏ, làm mất ổn định chính trị Thái Lan trong nhiều tháng, làm tê liệt một số sinh hoạt kinh tế và xã hội.

Một phụ nữ gốc Việt là thủ lãnh phe Áo Đỏ

Một nhân vật trong Ban lãnh đạo là một người Thái gốc Việt, tên là Daruni Krutbundalay, 61 tuổi, tên Việt là Bà Đa. Bà ăn mặc rất thời trang, diễn thuyết hùng hồn, kích động biểu tình. Bà tốt nghiệp Đại học Thương mại, là một doanh nhân thành công, và là người Việt giàu nhất trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Bà cũng là một diễn viên truyền hình nổi tiếng.

Bà Durani bị toà án kết tội vi phạm luật giới nghiêm. Sau khi các vụ biểu tình tan rả, bà cùng một số lãnh đạo bỏ trốn.

5* Phe Áo Vàng

Là những người thuộc Liên Minh Dân Chủ vì Nhân Dân, được coi là thân hoàng gia, thuộc giới doanh nghiệp thượng lưu thành thị, có chủ trương chống Thủ tướng Thaksin, bằng những cuộc biểu tình, đưa đến việc quân đội làm đảo chánh lật đổ Thaksin, khi ông tham dự Đại Hội Đồng LHQ tại NY, Hoa Kỳ.

Áo Vàng, Áo Đỏ là hậu quả của cái khoảng cách giàu nghèo khá lớn, chia xã hội ra làm hai thành phần ganh ghét nhau, xảy ra xung đột. Cuộc xung đột bắt nguồn từ chỗ ủng hộ, đả đảo Thủ tướng Thaksin. Như vậy, chính ông là nguyên nhân gây ra sự bất ổn.

6* Một vài chi tiết về Thaksin

Thaksin Shinawatra sinh ngày 26-7-1949. Lãnh đạo đảng “Người Thái yêu Người Thái”. Thành lập công ty điện thoại di động lớn nhất Thái Lan. Là người giàu nhất quốc gia nầy trước khi chuyển nhượng quyền sở hữu công ty cho gia đình, người giúp việc và tài xế.

Năm 1975, lấy bằng Thạc sĩ Luật ở Đại học Eastern Kentucky, Hoa Kỳ. Năm 1978, lấy bằng Tiến sĩ ở Đại học Sam Houston, Texas.

Khi lên làm Thủ tướng, chương trình kinh tế của ông rất hữu hiệu, làm phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo.

Ngày 19-9-2006, quân đội đảo chánh, lật đổ khi ông đang dự Đại Hội Đồng LHQ ở New York, HK.

Sau khi bị lật đổ, ông sang Anh Quốc sống với con gái. Ở Anh, ông mua Câu lạc bộ bóng tròn Manchester City với giá 82 triệu bảng Anh.

Chính quyền quân sự phát lịnh truy nã toàn cầu khi toà kết án 2 năm tù về tội tham nhũng và lợi dụng chức vụ.

Trong thời gian lưu vong, ông chỉ đạo phe Áo Đỏ biểu tình bạo động, nên bị kết tội khủng bố. Một trát tầm nã quốc tế thứ hai được phát đi, nhưng ông vẫn sống ung dung ở nhiều nơi. Khi thì ở Paris, Papua New Guinea, khi thì ở Anh quốc. Ông mang giấy Passport công dân Ouganda, Nicaragua, Campuchia, và cuối cùng là công dân nước Montenegro với cái tên mới là Taki Shinega.

Montenegro là một quốc gia nhỏ ở Đông Nam châu Âu, có biên giới chung với các nước Croatia, Bosnia, Serbia và Albania. Thủ đô là Podgoria. Diện tích 18,800km2. Dân số 625,266. Đơn vị tiền tệ là đồng Euro.

Cảnh sát Montenegro cho biết, ông từ Dubai đến bằng phi cơ riêng, và bây giờ ông là công dân của Montenegro.

7* Vài nét về nước Thái Lan

7.1. Tổng quát

Thái Lan. Phía Bắc giáp Lào và Miến Điện. Đông giáp Lào và Campuchia. Nam giáp Vịnh Thái Lan và Malaysia. Tây giáp Miến Điện.

Là một nước theo chế độ Quân chủ lập hiến, đứng đầu là vua Bhumibol Adulyadei, là nguyên thủ quốc gia, trị vì lâu đời nhất thế giới. Lên ngôi năm 1946 (67 năm).

Diện tích: 514,000 km2

Dân số: 66 triệu (2010)

Thủ đô: Bangkok

Dân tộc Thái 75%, người gốc Hoa 14%, còn lại là Mả Lai và Khmer.

Có khỏang 2.3 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Cửa ngỏ biên giới Thái-Campuchia mở rộng, không cần Visa nhập cảnh. Muốn đến Thái thì chỉ cần xin du lịch Campuchia.

Kinh tế: Thái Lan là nước công nghiệp phát triển.

GDP đầu người: 8,225 USD/năm 2008 (So với GDP/per capita Campuchia là 2.066USD)

7.2. Quân đội Hoàng gia Thái Lan

Quân số: 858,000. Gồm ba ngành: Lục quân, Hải quân và Không quân.

Đại bác các loại: 771 khẩu. Xe tăng và xe bọc thép: 1,845 chiếc. Phi cơ các loại: 400 chiếc bao gồm F-5, F-16 trang bị hỏa tiễn hiện đại. Trực thăng: 463 chiếc các loại.

Chiến hạm: 140 chiếc và một hàng không mẫu hạm Chakri Naruebet.

Lực lượng quân sự Thái Lan vượt trội hơn hẳn của Campuchia.

8* Vài nét về Campuchia

Thời Pháp thuộc, 3 nước Việt-Miên-Lào nằm trong Liên Bang Đông Dương. Người dân 3 nước tự do đi lại và cư trú. Thái tử Norodom Sihanouk, đã theo học trường trung học Lycée Chasseloup Laubat, ở Sài gòn.

Campuchia.

Diện tích: 181,040 km2 * Dân số: 13,388,910 (2008) * Lợi tức đầu người: 2,066 USD/năm 2008.

Nhà vua: Norodom Sihamoni * Thủ tướng: Hun Sen * Thủ đô: Phnom Penh

8.1. Quân đội hoàng gia Campuchia

Gồm có Lục quân, Hải quân, Không quân và lực lượng bán quân sự là Cảnh sát, Công An.

Quân số: 130,000 và 7,800 cảnh sát.

Đại bác các loại: 415 khẩu. Xe tăng và xe bọc thép: 521 chiếc gồm T-54, T-55, T-59.

Không quân: 1,000 người. Chỉ có 10 trực thăng.

Hải quân: 2,800 người. Chỉ có 5 tàu tuần trên sông và 170 canot lái bằng tay.

Lực lượng cảnh sát, công an: 7,800 người.

8.2. Thủ tướng Hun Sen

Trung tướng Hun Manet chỉ huy cơ quan chống khủng bố của Campuchia

Tên đầy đủ là Samdec Akeakmohasenapadey Decho Hun Sen, sinh ngày 4-4-1951. Lãnh đạo đảng Nhân Dân Campuchia.

Quốc vương Sihamoni phong cấp Thống tướng (5 sao) cho ông năm 2009.

Hun Sen gia nhập đảng Khmer Đỏ của Pol Pot năm 1967.

Tháng 4 năm 1975, Hun Sen giữ chức Trung đoàn phó của QĐ Khmer Đỏ.

Tháng 5 năm 1977, Hun Sen sống ở Hà Nội. Đây là một bí mật có nhiều tranh cãi.

- Hun Sen tuyên bố, đào ngũ vì không thích Khmer Đỏ

- Dư luận cho rằng Pol Pot thanh trừng những cán bộ thân CSVN, cho nên Hun Sen sợ bị thanh trừng nên bỏ trốn.

- Nguồn tin cho rằng Hun Sen bị CSVN bắt trên mặt trận, đánh với Khmer Đỏ.

Nhưng dù lý do nào, thì trên thực tế, Hun Sen được CSVN đào tạo, huấn luyện để lãnh đạo chính phủ bù nhìn do CSVN dựng lên trong thời gian chiếm đóng Campuchia.

Hun Sen bị thương 5 lần, bị hư một con mắt phải.

Chuẩn bị cho con trai kế vị

Con trai là Hun Manet, 33 tuổi, tốt nghiệp trường Võ bị West Point của Hoa Kỳ năm 1999. Lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Bristol, Anh quốc.

Được thăng cấp Tướng 2 sao. Chỉ huy phó Lục quân. Chỉ huy trưởng lực lượng chống khủng bố. Dư luận cho rằng, Hun Sen chuẩn bị cho con nắm quyền lực hiện tại của ông. Con trai út vừa được thăng thiếu tướng.

9* Kết

Tranh chấp biên giới Thái-Kampuchia rất khó giải quyết. Ngôi đền do người Khmer kiến trúc nhưng hiện tại nó lại nằm trên vùng đất do Thái Lan quản lý, xem như lãnh thổ của Thái.

Ranh giới hai nước không được phân định rõ ràng cho nên không có cơ sở để giải quyết. Toà Án Công Lý Quốc Tế đã phán quyết ngôi đền Preah Vihear thuộc quyền sở hữu của Campuchia, nhưng UNESCO công nhận nó là di sản chung của thế giới. Nếu hiểu nghĩa di sản chung của nhân loại, thì nó vượt ra khỏi tầm tay chủ quyền của hai nước tranh chấp.

Tranh chấp vượt ra khỏi ngôi đền, mà là giành chủ quyền của khu đất 4.2 km2 ở biên giới hai nước.

Tranh chấp lãnh thổ càng khó giải quyết hơn. Hiện tại, Trung Cộng đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nga, Tây Tạng, và nổi bật là tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Khu vực tranh chấp Thái-Campuchia không có quyền lợi kinh tế đáng kể nào, hơn nữa, ngôi đền được xem là di sản chung của thế giới vậy thì bên nào quản lý cũng thế thôi. Đánh tay đôi thì Campuchia thắng nổi Thái, nếu gây chiến thì Trung Cộng nhảy vào Campuchia, nằm bên cạnh sườn để khống chế Việt Nam và cướp tài nguyên của quốc gia nghèo nhất thế giới nầy. Campuchia gây bất ổn thì chỉ làm lợi cho Trung Cộng mà thôi.

Trúc Giang

Minnesota ngày 12-11-2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi tai qua nạn khỏi hay gặp một điều lành, chúng ta đều nhắc tới chữ Phúc Đức: “Nhờ phúc ông bà nên tôi vừa thoát nạn.” “Nhờ phúc nhà nên cháu vừa thi đỗ.” “Cầu phúc tổ tiên cho được mẹ tròn con vuông.”...
Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn “vẫn cũ như trái đất”...
Ông Bill Burns, Trùm CIA, hôm 19/04/24, cảnh báo « Ukraine có thể thua cuộc chiến sanh tử với Poutine từ đây tới cuối năm ». Lời tuyên bố đưa ra trước hôm Hạ viện Huê kỳ biểu quyết có nên tháo khoán 61 tỷ USD để giúp Ukraine hay không? Nay thì Ukraine có 61 tỷ, và còn thêm phần viện trợ của Otan nữa, để tăng cường khả năng quân sự và cả kinh tế để đối đầu với Poutine. Vậy tới cuối năm, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc và thắng lợi sẽ ngả về phía Ukraine?
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.