Hôm nay,  

Cho Một Người Bạn Vừa Rời Trạm Z

26/10/201300:00:00(Xem: 7202)
(Để nhớ Michael Nguyễn Văn Nhiều, tức nhà văn Nguyên Nhi (1950-2013), cựu Hải Quân Trung Úy đã từng theo học khóa huấn luyện OCS Trần Hưng Đạo tại Hoa Kỳ và tham gia trận bảo vệ Hoàng Sa trên chiến hạm Trần Khánh Dư, vừa qua đời ngày 18 tháng 10 năm 2013 tại Dallas Texas, hưởng thọ 63 tuổi. Nhà văn Nguyên Nhi cũng là phu quân nhà văn Phạm Chi Lan (1961-2009), sáng lập kiêm Chủ biên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, tạp chí tiên khởi của người Việt trên internet).

*

Khuya! Rất khuya. Tôi vẫn ngồi trước màn hình, nghĩ ngợi về "trạm Z"- cái tên anh đặt cho đời sống này. Giá có thêm một vài tính từ đại loại như "phù du, mong manh, ngắn ngủi..." hay gì nữa như người ta vẫn thường nói, ắt cũng được. Chỉ e rằng lặp lại sáo ngữ, dù sự thật có là như vậy. Cái "trạm Z" đôi khi cứ ám ảnh, làm tôi suy nghĩ, mỗi khi nghe tin những mất mát. Ly tan. Lẽ tự nhiên, nó dữ dội hơn trước mất mát của những người thân, những bạn bè, những người mình quý mến.

Anh đặt tựa cho truyện ngắn của mình là "Những ngày nằm chờ ở trạm Z". Cái tựa nghe ngồ ngộ. Nhưng cuồn cuộn nội lực của một người cầm bút đầy sự suy tưởng. Có phải cứ ngẫu nhiên oe oe bước vào "trạm A", đi qua bao chặng ngắn dài, cuối cùng cũng về đến "trạm Z"- ga cuối của cuộc đời? Qua khỏi trạm này, không còn đường ray xe lửa hay những con đường tráng nhựa, chẳng biết sẽ đưa người ta về đâu. Hay quay lại với khởi đầu "trạm A"? Những người thông thái hay thức giả nhất chắc cũng chẳng mấy ai đoan chắc câu trả lời. Ngoại trừ bằng đức tin. Vì những người đã "qua" cái "trạm Z" đó rồi cũng chẳng thể nào kể cho mình nghe được. Chỉ còn đoán. Và tin. Rằng nó sẽ đưa ta đến trạm !,@,#,&... sáng lọi hay u minh vô hình nào đó. Không biết anh có tin điều đó không? Nhưng tôi chắc rằng anh đã tin mình sẽ gặp lại người bạn đời của anh đã đi qua "trạm Z" hơn bốn năm trước, một khi đến phiên mình. Tôi cũng tin vậy. Và cầu chúc cho họ được vậy. Bởi họ từng là một chiếc lá rất đẹp của hai nửa chẳng vẹn toàn. Cũng đẹp. Chỉ nửa anh có khi gai góc. Bất ổn.

Tôi biết anh là một một nhà văn có tài. Dù chúng tôi chưa bao giờ nói về nhau như vậy. Bởi chữ nghĩa là cái duyên để chúng tôi biết, rồi quen nhau. Nhưng nó chẳng phải điều để chúng tôi nhìn tới hay giữ được tình thân. Cả anh cũng nghĩ vậy. Có lần tôi điều dẫn chương trình cho một buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, anh là người sẽ có đôi tâm tình, cảm nhận về thơ tác giả. Anh nói riêng cùng tôi rằng, khi giới thiệu, đừng thêm tiếng "nhà văn" cho anh. Quả anh gây khó cho ban tổ chức. Anh viết văn, làm thơ, in sách, anh em văn nghệ biết tên quen tiếng, lâu lắm mới trân trọng một tiếng "nhà văn" chỗ đông người cũng được chớ sao. Giới thiệu trống không, người ngoài không biết lại ngỡ tôi bất nhã. Mời "nhà văn" giới thiệu sách, chớ chẳng lẽ đưa lên... "nhà đòn". Nhưng chiều ý anh, tôi cũng chỉ giới thiệu "Nguyên Nhi". Như cách chúng tôi vẫn thường gọi nhau trong thân tình. Dù anh hơn tôi quá cả con giáp.
nha-van-nguyen-nhi-file0748-copy
Nhà văn Nguyên Nhi.

Nhưng thật, văn chương của anh là lạ, đọc cứ như những truyện dịch. Lời văn đẹp, đầy suy tưởng và dụ ngôn, nhưng cũng nhiều khi phúng biếm, chua cay. Những câu thơ thì có khi khí khái, ngang tàng, cũng lắm khi cô độc, lẻ loi. Chúng thất thường. Không phải ở tài hoa, mà ở trong tâm tưởng. Có lẽ chúng êm ả, nhẹ nhàng trong những lúc đời sống tươi đẹp và rồi cay đắng, bức rức lúc cô đơn. Của những năm cô độc. Trước khi gặp Phạm Chi Lan, rồi sau khi Lan qua đời. Có khi là "như tráng sĩ mạt thời đêm đêm ngắm trăng mài kiếm / để tự cắt đầu mình" hay "ngọn quái phong thổi suốt bốn ngàn năm / thổi thông thống nửa vòng trái đất / Dừng lại đây một chiều thở mệt...". Và có lúc hạnh phúc lên ngôi, tráng sĩ thôi mài kiếm, ngu sao mà tự cắt đầu "Chào, cuối chào những bông tuyết đầu mùa / chàng thủy thủ cuối cùng rồi cặp bến / Trả giông tố cho mịt mù biển lớn / trả nắng cho boong, trả gió cho buồm" để "ta đến đây như làm lại từ đầu / thả chiếc neo giữa lòng em độ lượng". Đẹp. Tôi mừng cho anh. Và cho Lan. Họ đã có nhau một thời gian hạnh phúc. Ngao du khắp nơi, hoa cảnh rực hiên vàng hồng tím đỏ, viết lách, hoạt động văn nghệ nhiều hơn. Có thời gian, cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, có thêm Quỳnh Như, Diễm Tú, Tôn Thất Phương, chúng tôi cùng làm chương trình Tạp Chí Văn Nghệ Truyền Thanh hàng tuần trên đài Tiếng Nước Tôi do anh Thái Hóa Lộc làm giám đốc. Rồi cả hai viết dịch, cộng tác cùng Trẻ. Bạn bè nhóm Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng thỉnh thoảng bay sang tụ họp, hát cười thâu đêm như những con dế nhỏ. Vui gì đâu!


Lần đầu tôi đọc anh và cái tên Nguyên Nhi còn ở lại, là truyện ngắn về một chàng thủy thủ học văn khoa, làm say đắm một cô gái tật nguyền mê văn chương. Truyện được viết trước khi Nguyên Nhi và Chi Lan gặp và đến với nhau, không nhớ đăng trên Vietnam Weekly News của Trần Lộc hay trên VHNT-LM. Trùng hợp, như một điều dự báo. Thơ văn Nguyên Nhi viết nhiều về biển, về nắng gió, hải đăng, về con ốc nhỏ, về chàng thủy thủ. Thì ra Nguyên Nhi từng là thủy thủ mà. Từng học văn khoa, từng sang Mỹ huấn luyện khoá hải quân. Nghe kể cũng tham chiến trận bảo vệ Hoàng Sa, nên lấy tên đảo đặt cho hai con trai: Hoàng Sa và Trường Sa. Ngần ấy trải nghiệm đã gom thành tập truyện "Con gái người gác đèn biển" và tập thơ "Quái Phong" thâm hậu, mang cùng không khí biển mặn đó. Nhưng thú thật, tôi khoái những bài thơ lục tỉnh, Mỹ Tho sanh quán của anh. "Tên đãng tử Mỹ Tho nhớ dòng Bảo Định / Một khoảnh đời gạo chợ nước sông / Nha Mân tháng này con nước hỗn leo đồng / Bầy cá quẩy lia chia đầu ngọn sạ". Hay "Trưa hè treo võng hát Lục Vân Tiên / Má chỉ muốn con như họ Lục / Cho dẫu má vẫn đầu trần chân đất / Gió cứ lùa thông mái vách xưa". Đã gì đâu! Cứ như khô cá sặc nhậu cùng đế Chợ Gạo, mà nghe câu cải lương tài tử vừa xuống giọng, khác hẳn thứ cognac, whisky trong không khí thơ bên trên. Rồi Nguyên Nhi ra thêm vài tập truyện như "Lẽ ra mùa mận", "Trèo lên cây Bưởi", "Bước xuống vườn cà". Chẳng để làm gì, chỉ lâu lâu ngó chúng mà... buồn chơi. Không có cuốn nào ra mắt sách hay quảng bá đó đây. Ngoại trừ lần Trẻ tổ chức cho anh đêm họp mặt chỉ mươi thân hữu thân tình "ăn mừng" cuốn "Trèo lên cây Bưởi". Vui. Có anh Phan Xuân Sinh và lần đầu gặp mặt Bác "Hai Trầu" Lương Thư Trung cùng các "đại ca", cách chúng tôi gọi thân tình những anh Đức Phổ, Trần Phù Thế, Đỗ Xuân Quang... từng nghe tên và được kết thân từ dạo đó. Nguyên Nhi đang định in tiếp "Một miếng trầu cay" thì bước qua "trạm Z". Chẳng hề muốn in sách để trở thành "văn sĩ", Nguyên Nhi in sách chỉ do Chi Lan khuyến khích khi còn sống và ước nguyện trước lúc đi xa. Sách của mình in ra giấy vẫn còn đó, anh sợ rằng những trang bản thảo sẽ lặp lại chuyện " cái thuở người xa tàu mất biển". Anh kể với tôi và đưa vào trong truyện ngắn của mình "Ta đã đi, đã sống, đã tìm. Đã gặp. Ta đã nhận, đã trân trọng giữ gìn. Nhưng ta biết làm gì với những tặng vật của vũ trụ và cuộc sống đây? Và ta biết làm chi cho hết cuộc đời ta?" Ông lão ngậm ngùi. "Với những thứ đã có ấy, sao chàng không làm thơ?" Lan thì thầm. Vậy đó, ông lão làm thơ." Tôi sang nhà, sách in chất những thùng. Vẫn còn. Tặng thân hữu, bạn bè được mươi cuốn? Không còn Chi Lan, còn ai quý "những tặng vật của vũ trụ và cuộc sống" mà anh tha thiết, giữ gìn. Giá có lướt qua, đôi khi bận rộn, chúng ta chỉ đọc những dòng chữ bằng mắt, chứ không bằng trí tưởng. Và rồi cũng lắm khi mệt mỏi, ta chỉ nhìn con người và mọi việc bằng lý lẽ chứ chẳng qua tấm lòng. Để cảm thông. Để cuộc đời đẹp và độ lượng hơn. Nhưng chịu thôi. Ai mà chẳng có riêng một "trạm Z" để lo, để nghĩ. Và sống trong cách nghĩ của mình.

Vài ngày trước lúc anh giã biệt đời sống, tôi vào bịnh viện thăm anh. Con trai vừa gọi vào thăm bố. Nước mắt còn chảy trên khuôn mặt anh, đã quá đỗi tiều tụy. Chắc anh đã linh cảm cho một chuyến đi xa. Tôi cũng muốn khóc, nhưng chẳng chảy nước mắt. Chỉ ngồi yên. Vào bịnh viện hai hôm đã nhớ nhà. Anh bảo tôi, anh nhớ cái bếp. Vài năm nay, từ ngày Chi Lan mất, anh đi chợ, lựa từng bó rau, con cá, mỗi tối tự tay nấu cho hai con trai, cao to lực lưỡng gấp mấy lần bố, đi làm xong ghé ngang qua xách về ăn. Khi đã biết bịnh và yếu đi nhiều trong hơn tháng qua, anh cũng còn vô bếp. Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh tắc lưỡi, phân trần "còn lo cho nó được ngày nào thì lo". Nó làm tôi xúc động. Tôi cũng làm cha mà chưa thấu đáo tâm trạng người cha. Tôi không còn thấy tráng sĩ, thủy thủ, nhà văn, nhà thơ, hay bất cứ danh xưng nào là quan trọng. Chúng chỉ là những ngẫu nhiên, đặt để của mỗi người. Mà trước mắt tôi chỉ còn là một con người. Người Chồng. Người Cha. Người Bạn. Ở trước giờ "G" thoát khỏi "trạm Z". Thôi đi bình yên nhé Nguyên Nhi. Hãy về canh sáng ngọn hải đăng cùng con gái người gác đèn biển. Anh có nói rồi mà, "Hỡi những ngọn đèn biển bờ Tây Bắc / Thênh thang ta đã có một phương về" (*).

Dallas, 19-10-2013

ĐYT

(*) Những chữ nghiêng trích từ thơ, văn Nguyên Nhi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.