Hôm nay,  

Dân Mỹ Bầu Cho Ông “Vũ Như Cẩn”

13/11/201200:00:00(Xem: 11697)
...Obama là một thiên tài hiếm có trong nghệ thuật vận động tranh cử...

Ngày 6 tháng 11 vừa qua, dân Mỹ đã đi bầu tổng thống, và hàng ngàn chức vụ liên bang và tiểu bang khác. TT Obama đã tái đắc cử với 50% phiếu dân và 332 phiếu cử tri đoàn, so với TĐ Romney được 48% và 206 phiếu cử tri đoàn. Tất cả các tiểu bang “xôi đậu” đã bầu cho TT Obama, ngoại trừ North Carolina. TT Obama thu được khoảng 61 triệu phiếu. So với 70 triệu phiếu của năm 2008, 9 triệu người đã bỏ ông. Dù vậy, thắng lợi của TT Obama vẫn lớn hơn kết quả của tất cả mọi thăm dò dư luận trước đó. Ngay cả các chuyên gia thiên về đảng Dân Chủ cũng ước tính TT Obama sẽ thắng với 290 phiếu cử tri đoàn là tối đa. Cuối tuần trước ngày bầu, tổng hợp một tá thăm dò của Real Clear Politics cho thấy TT Obama thắng TĐ Romney 0.2% (47.4%-47.2%), với 5% lưỡng lự. Cuối cùng, phần lớn số lưỡng lự ngả theo TT Obama.

Dân Mỹ năm nay đã bầu cho ông “Vũ Như Cẩn” để duy trì tình trạng ... vẫn như cũ, sau khi hai chính đảng bỏ ra khoảng năm tỷ để tranh cử, hai tỷ cho cuộc tranh cử tổng thống và còn lại cho các cuộc tranh cử dân biểu, nghị sĩ, thống đốc, và địa phương. Vẫn tổng thống Dân Chủ, vẫn đa số Dân Chủ tại Thượng Viện và đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện. Vẫn là cuộc chiến giữa ba ông Barack Obama trong Tòa Bạch Ốc, Harry Reid tại Thượng Viện, và John Boehner tại Hạ Viện.

Thông điệp của dân Mỹ khá rõ ràng: họ chấp nhận cho TT Obama thêm thời giờ để giải quyết vấn nạn kinh tế, nhưng sẽ có mấy ông Cộng Hòa canh chừng để tổng thống không thể vung tay quá trán quá đáng như trong những năm 2009-10.

Trên cột báo này cách đây không lâu, những ưu thế của TT Obama đã nêu lên rõ ràng trong bài “TT Obama Có Ưu Thế” ngày 2/10/2012. Quan trọng nhất là ba yếu tố:

- Dân Mỹ thường khá kiên nhẫn và chấp nhận cho tổng thống thời gian để làm việc;

- TT Obama cũng có vẻ như ôn hòa, vị tha, dễ có cảm tình, gần với họ hơn triệu phú Romney;

- TT Obama được sự tiếp sức công khai và mạnh mẽ của cả khối truyền thông dòng chính, ảnh hưởng của truyền thông không phải là nhỏ trong xứ tự do này;

Những ưu thế đó quá lớn để một người như TĐ Romney có thể vượt qua được. Khoan nói tới khối cử tri Dân Chủ và độc lập, ngay cả trong khối bảo thủ Cộng Hòa, TĐ Romney vẫn chưa lấy được niềm tin trọn vẹn của họ. Cái quá khứ thống đốc tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ và “cha đẻ” luật cải tổ y tế của Massachusetts vẫn làm cho họ hoài nghi, hoặc ông là “cấp tiến nằm vùng”, hoặc ông là người lập trường chao đảo, theo cơ hội chủ nghiã. Nhất là khi TĐ Romney đã đưa ra những quan điểm khá cực hữu để tranh thắng trong cuộc bầu trong nội bộ đảng Cộng Hòa, rồi sau đó khi ra tranh cử chống TT Obama thì lại đổi giọng, ôn hòa hơn. Số phiếu của TĐ Romney ít hơn tới 2 triệu phiếu so với TNS John McCain năm 2008, tức là hai triệu người ủng hộ ông McCain đã không tin tưởng ở TĐ Romney.

TT Obama cũng đã có một chiến lược tranh cử hết sức hữu hiệu, dựa trên hai vế chính:

- Một mặt, trong những tháng cuối cùng trước bầu cử, ông đã ra một loạt biện pháp nhỏ, nhắm vào những khối cử tri đặc biệt: 1) giảm lãi suất trên nợ của sinh viên, 2) cấm trục xuất con của di dân bất hợp pháp đang còn đi học, và 3) ủng hộ hôn nhân đồng tính. Những biện pháp này hiển nhiên phản ánh chiến lược lấy điểm cử tri “gà nhà”, theo mô thức của TT Bush trước đây, trong khi TĐ Romney thì lại bỏ quan điểm bảo thủ, nói giọng ôn hoà để kiếm phiếu trong khối độc lập.

- Mặt khác, tập trung mọi nỗ lực tô vẽ ông đối thủ Romney như một đại họa cho đất nước này: tài phiệt làm giàu bằng cách sa thải nhân công hay chuyển jobs đi Trung Cộng hay Ấn Độ, không quan tâm đến khối dân nghèo (47%!), muốn giết kỹ nghệ xe hơi, cắt tiền già, tiền thuốc, tiền thất nghiệp, và biết bao tội khác. Và hiển nhiên, chiến lược này đã thành công.

Có thể nói lần đầu tiên TĐ Romney “ra mắt” dân Mỹ là lần tranh luận đầu tiên với TT Obama tối 3 tháng 10. Ông đã thành công xoá bỏ phần nào hình ảnh “ác qủy, tài phiệt vô cảm” mà TT Obama đã tô vẽ lên người ông suốt mấy tháng tranh cử. Nhưng sự thành công quá nhỏ và đến quá muộn, lại còn bị bão Sandy làm lu mờ mất.

Một số quan sát viên cho chiến thắng lớn bất ngờ của TT Obama có thể là vì trận bão Sandy, xẩy ra một tuần trước bầu cử, đã thay đổi quan điểm của nhiều người. Trận bão đó đã khoá miệng và dấu hình ảnh của TĐ Romney đúng lúc ông đang phất lên, trong khi lại đưa ra hình ảnh TT Obama đang xả thân cứu dân. Virginia là tiểu bang được coi như sẽ bầu cho TĐ Romney, cuối cùng đã bầu cho TT Obama sau khi bị Sandy tàn phá. Theo Tom Bevan và Carl Cannon viết trên Real Clear Politics ngày 7/11, 40% cử tri vùng đông bắc nhìn nhận cách TT Obama đối phó với bão Sandy đã có ảnh hưởng trên lá phiếu của họ. Nếu đúng vậy thì âu cũng là … số trời! Cũng không khác gì khủng hoảng tài chánh xẩy ra đúng một tháng trước ngày bầu cử năm 2008, phá tan mọi hy vọng của TNS McCain.

TT Obama thắng tại tất cả các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ, ngoại trừ tiểu bang Indiana. Chứng tỏ giới thợ thuyền tại đây đã tin lời quảng bá của TT Obama là ông đã cứu kỹ nghệ xe và cứu jobs của họ. Khẩu hiệu “Để Cho Detroit Chết” (Let Detroit Die) mà các nghiệp đoàn dán lên trán TĐ Romney đã quá mạnh và quá hữu hiệu đối với hàng trăm ngàn công nhân trong vùng, dù là không đúng sự thật.

TT Obama đã chiếm được phiếu của dân nghèo, thiểu số, phụ nữ, và khá nhiều người cao niên vẫn sợ hãi hình ảnh một triệu phú vô cảm sẵn sàng cắt trợ cấp của họ.

Huyền thoại Cộng Hòa bảo vệ quyền lợi nhà giàu, chuyên cắt trợ cấp an sinh người nghèo đã có từ cả trăm năm nay, cho đến giờ vẫn được nhai lại, và vẫn không ít người tin, cho dù trong lịch sử cận đại Mỹ, chưa có một tổng thống Cộng Hòa nào cắt một đồng xu trợ cấp an sinh nào, trong khi người “sáng lập” ra Medicare Part D là trợ cấp tiền thuốc cho người già chính là TT Cộng Hoà Bush con. Chiến lược hù dọa những người ít hiểu biết về những vấn đề phức tạp như trợ cấp an sinh vẫn có tác dụng.

Chính TĐ Romney cũng tự hại mình bằng những câu nói hớ kiểu khoe bà vợ có hai xe Cadillac, hay lời bình luận về khối 47% dân không đóng thuế.

Cái thế khó khăn của TĐ Romney lại còn bị vài ông đồng chí Cộng Hòa làm cho khó khăn thêm. Hai ông ứng viên thượng nghị sĩ tại Missouri và Indiana đã tuyên bố những câu cực đoan, ngu xuẩn, và khó tha thứ nhất trong cuộc bầu bán năm nay. Một ông thì cho rằng có những vụ hãm hiếp có thể là “chính đáng” (legitimate rape), một ông thì cho rằng thụ thai khi bị hãm là “ý của Chúa” (God design). Dĩ nhiên, cả hai ông trước đó coi như có rất nhiều hy vọng giúp đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Thượng Viện, đã thua sát ván, kéo luôn theo cả triệu phụ nữ bỏ ông Romney và đảng Cộng Hòa.

TT Obama mặt khác đã cố tình ém nhẹm một số tin bất lợi cho ông. Năm ngày trước bầu cử, Iran bắn rơi một phi cơ không người lái của Mỹ, nhưng chính quyền Obama đợi bầu cử xong mới loan tin. Trước đó, vụ giết đại sứ Mỹ tại Benghazi đã gây nhiều thắc mắc, TT Obama cho điều tra, nhưng dĩ nhiên, kết quả điều tra không thể nào xong được trước bầu cử. Thêm nữa, FBI điều tra và khám phá ra đại tướng Petraeus, Giám Đốc CIA, có vợ bé từ lâu nay, nhưng đợi đến ba ngày sau bầu cử mới cho ông Petraeus từ chức. Những vụ này, nếu được công bố đầy đủ trước ngày bầu cử thì chưa biết sẽ ảnh hưởng như thế nào lên kết quả bầu cử.

Một yếu tố quan trọng nữa là những thay đổi lớn trong dân số Mỹ. Giới mày râu da trắng là khối ủng hộ TĐ Romney mạnh nhất, đang trở thành khối thiểu số trong xã hội Mỹ. Khối cử tri chẳng những lớn mà lại càng ngày càng lớn thêm là phụ nữ, khối dân thiểu số da đen, da nâu, da vàng. Theo thăm dò kết quả bầu cử, 95% dân da đen, 70% dân da nâu (gốc Mỹ La-Tinh), 75% dân da vàng, và gần 60% phụ nữ, nhất là phụ nữ độc thân, ủng hộ TT Obama.

Sự kiện này cho thấy đảng Cộng Hòa nếu không nhận định rõ chuyển biến trong dân số Mỹ và có biện pháp thích ứng để đáp ứng nhu cầu của các khối dân mới lớn mạnh, thì sẽ mau chóng trở thành đảng của khối thiểu số và sẽ vĩnh viễn đứng ngoài lề đường để nhìn vào Toà Bạch Ốc.

TT Barack Obama là một hiện tượng mà lịch sử sẽ tốn rất nhiều giấy mực viết về ông. Một tổng thống có một không hai, không phải chỉ trong lịch sử Mỹ không mà cả trong lịch sử nhân loại cận đại.

Không cần biết lỗi tại TT Bush, hay lỗi của bao nhiêu đời tổng thống tích lũy lại, hay lỗi tại các tài phiệt ngân hàng, hay lỗi người dân Mỹ đã quá tham lam muốn làm giàu bằng đường tắt, vung tay xài tiền quá trán, chỉ biết là gia tài của TT Bush để lại năm 2009 là một khúc xương khổng lồ, trên phương diện kinh tế và tài chánh. Đã vậy, nước Mỹ phải trực diện với khủng bố quá khích Hồi giáo, lại còn vướng vào hai cuộc chiến không ai thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Trong tâm lý bình thường thì đây là lúc đất nước vĩ đại với hàng hà sa số nhân tài này sẽ phải lựa một thiên tài, một người với kinh nghiệm cao như núi, với khả năng kinh bang tế thế được cả nước nhìn nhận qua thành tích cụ thể tích lũy trong cả một đời phục vụ đất nước này. Một người có khả năng kinh tế, tài chánh, quân sự, ngoại giao, ... tuyệt đối hơn người.

Nhưng nước Mỹ lại không phải là một nước… bình thường, và dân Mỹ cũng lại là dân không có cách suy nghĩ bình thường.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó, họ đã lựa một chính khách trẻ, hoàn toàn vô danh, với hồ sơ lý lịch viết chưa hết nửa trang giấy, tuyệt đối không một chút kinh nghiệm kinh tế, tài chánh, quân sự, ngoại giao, ... gì hết. Một con số không khổng lồ.

Bình tâm mà suy nghĩ một cách tuyệt đối không thiên vị thì không có một lý do nào có thể biện minh được lá phiếu dành cho ông Obama năm 2008. Tại sao? Dựa trên thành tích gì ngoài tài ăn nói, hứa trăng hẹn biển hơn người của ông? Ngoài “Hy Vọng” mù mờ? Kẻ viết này chưa từng nghe được một người nào đưa ra được một lý do chính đáng tại sao TNS Obama đáng được bầu làm tổng thống ngoài tài ăn nói, hứa trời hẹn biển khi ông ra tranh cử năm 2008, chưa từng thấy một người nào đưa ra được một thành tích cụ thể xứng đáng nào của TNS Obama để bầu ông lên trách nhiệm lãnh đạo tối cao của đất nước này.

Dĩ nhiên là ông đã hứa rất nhiều, nhưng ta có thể bầu một người lãnh đạo hoàn toàn dựa trên những lời hứa được sao? Không cần biết khả năng người đó như thế nào? Chỉ có một cách giải thích duy nhất: năm 2008, nước Mỹ đã đi vào cơn mê tập thể vĩ đại.

Kết quả như thế nào?

Trên internet, có một trang mạng đặc biệt chỉ làm một việc duy nhất là kiểm chứng thành quả của TT Obama so với những lời hứa của ông. Theo trang mạng này, lớn nhỏ có tổng cộng trên 500 lời hứa của ứng viên Obama khi ông tranh cử năm 2008. Bỏ qua những lời hứa có tính chi tiết cục bộ, ta thử kiểm điểm lại những lời hứa quan trọng nhất, so với thành quả thực thụ.

- TNS Obama hứa sẽ thực hiện đại đoàn kết dân tộc, không còn một nước Mỹ xanh hay đỏ. Kết quả, lại là tổng thống tạo phân hoá lớn nhất lịch sử cận đại Mỹ, theo Washington Post.

- TT Obama một tháng sau khi tuyên thệ năm 2009, hứa sẽ phục hồi kinh tế trong ba năm, nếu không được, sẽ chấp nhận làm tổng thống một nhiệm kỳ. Kết quả, bốn năm sau, kinh tế tăng trưởng 1%-2%, 23 triệu người thất nghiệp, 45 triệu người sống bằng phiếu thực phẩm. Nhưng ông vẫn ra tranh cử lại.

- TT Obama xin 800 tỷ kích cầu kinh tế, và hứa sẽ mang tỷ lệ thất nghiệp xuống 5% trước cuối nhiệm kỳ đầu. Tuần qua, tỷ lệ thất nghiệp là 7.9%.

- TNS Obama nhìn vào thâm thủng ngân sách và mức công nợ của TT Bush, và gọi ông Bush là “tổng thống vô trách nhiệm nhất lịch sử Mỹ”. TT Obama trong một nhiệm kỳ đầu đã tăng thâm thủng ngân sách của Bush lên gấp bốn lần, tăng công nợ gần gấp ba lần.

- TNS Obama đả kích TT Bush cắt thuế nhà giàu và quả quyết ông sẽ hủy bỏ luật đó. Cuối năm 2010, khi đảng Dân Chủ còn nắm đa số tuyệt đối tại cả hai viện, TT Obama lẳng lặng gia hạn luật giảm thuế của TT Bush đến cuối năm 2012. Xong rồi quay ra tiếp tục sỉ vả TT Bush và Cộng Hoà chủ trương cắt thuế nhà giàu.

- TNS Obama hứa với dân gốc Nam Mỹ sẽ ban luật đại xá trong năm đầu. Trong hai năm đầu, TT Obama với hậu thuẫn của đảng Dân Chủ kiểm soát cả hai viện quốc hội, không nhắc gì đến luật di dân, tuyệt đối không làm gì hết. Đợi sau khi Cộng Hòa thắng năm 2010, TT Obama hùng hổ tố cáo Cộng Hòa ngăn cản ông sửa đổi luật di dân.

- TT Obama hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ–Hồi Giáo, dựa trên tương kính và hòa bình ổn định. Bốn năm sau, dân Hồi giáo trên 27 nước xuống đường biểu tình chửi Mỹ, đại sứ Mỹ tại Libya bị giết chết, đồng minh Hồi giáo lớn nhất, Ai Cập, trở thành đồng minh mạnh nhất của Iran, Iraq trở thành nhịp cầu nối liền trục Iran-Syria.

TT Obama đã không giữ được một lời hứa quan trọng nào, nhưng vẫn tái đắc cử. Như vậy mới thấy ông Obama quả là một thiên tài hiếm có trong nghệ thuật vận động tranh cử. Năm 2008, ông không có thành tích gì hết, nhưng đắc thắng nhờ tài hứa hẹn. Năm 2012, ông tranh cử cũng vẫn chẳng phải dựa trên thành tích nào của 4 năm qua, cũng chẳng còn dựa trên những hứa hẹn cho 4 năm tới nữa. Chẳng ai nghe được kế hoạch đối phó với những vấn nạn kinh tế, tài chánh, thất nghiệp trong bốn năm tới sẽ như thế nào, ngoài việc “tăng thuế nhà giàu”.

Nói tóm lại, năm 2008, TNS Obama không có một kinh nghiệm gì đáng kể để được trao cho trách nhiệm lớn lao và khó khăn nhất thế giới. Nhưng 53% dân Mỹ đi vào cơn mê tập thể bầu cho ông. Sau bốn năm, thiên hạ đã thấy TT Obama đã không giữ lời hứa trong những vấn đề nghiêm trọng nhất. Hơn 9 triệu người đã thất vọng, bỏ ông. TT Obama là tổng thống duy nhất trong lịch sử cận đại đã tái đắc cử với số phiếu ít hơn lần đầu, nhưng vẫn đủ để tiếp tục giữ Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa. Ông có làm được việc gì trong bốn năm tới hay không là chuyện khác, sẽ bàn đến trong những bài tới. (11-11-12)

Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
15/11/201214:32:25
Khách
Mấy thím bảo thủ và bị thụt lùi mấy chục năm nay quay qua quay lại thấy mình chỉ giống đám nông dân miền Nam nước Mỹ. Ngày xưa Bush phá sản nước Mỹ và nói láo để đánh Iraq để bán vũ khí dùm cho Cheney thì mấy thím hoan nghênh. Bây giờ sao không nhận tội, lại còn xúm lại bán chè bán cháo trên diễn đàn?
14/11/201218:33:31
Khách
Còn nhớ câu "chân lý không thuộc về số đông" không mấy bồ? Đừng có nghĩ người thắng cử là người đúng. Mấy hôm nay, báo chí, vốn luôn đứng về phe Obama, mới bắt đầu xì ra vô số tin tức bất lợi cả về chính trị, lẫn kinh tế. Đó là trò bịp bợm của báo chí, vốn thiên tả ở Mỹ, cố che giấu, bưng bít sự thật để loè bịp cử tri. Khi xong việc mới nói ra phần nào sự thật bê bết của đất nước. Thời gian tới, nhiều cái nhức đầu sẽ xuất hiện, về công ăn việc làm, về chi phí và nó có thể ảnh hưởng đến quí vị, hoặc con em quí vị đấy, chứ đừng vội mừng sớm. Nói chung, xã hội Mỹ là xã hội dân chủ. Ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình. Anh có quyền phê phán người này, người nọ, theo ý kiến của anh. Tôi cũng vậy. Đừng bắt chước kiểu cộng sản, là chỉ có một tiếng nói (vừa ngu, vừa sai) độc quyền trong xã hội. Ông Vũ Linh vẫn cứ tiếp tục có những bài viết theo ý kiến của ông ấy và độc giả vẫn có thể có ý kiến phê bình, hoặc đồng ý với ông ấy. Miễn là mấy vị nhà quê đừng chửi bới mạ lỵ có tính cách cá nhân, kẻo lộ ra cái thất học, hoặc có họ hàng gần với cộng sản của mấy vị.
13/11/201219:54:08
Khách
Tui với bà già tui rầu rĩ từ hồi bữa tới giờ. Ngày xưa nhờ ông Bush mình mới đánh thắng Iraq để diệt trừ Osama Ladin. Cũng nhờ ông Bush mà kinh tế Mỹ lên quá trời. Bây giờ khi không bầu cho Obama chi vậy trời?
14/11/201217:42:55
Khách
tăng thêm thuế thu nhập năm nay :
thêm $412 nếu thu nhập dưới $20,113.
thêm $1,231 nếu dưới $39,790
thêm $1,984 nếu dưới $64,484
thêm $3,540 nếu dưới $108,266
thêm $14,173 nếu trên $108,267
thêm $120,537 nếu trên $506,210
con đường phải học tiếng Tàu bắt đầu ngay bây giờ
Hoan hô obama !!! 8 more years !
14/11/201207:03:41
Khách
Nhân có công việc tôi về San Jose và tôi được nghe như thế nầy mong chư vị giải thích dùm có hay không :
1) ngoài tài tiêu diệt Bin Laden (có) 2) Khi mới đắc cử lần thứ nhất thì bọn tư sãn Tàu qua đòi nợ ông ta không tiếp mà cho một người trẻ khoảng 28 tuổi tiếp và nói : "Nước Mỹ chúng tôi sẽ trả nợ cho các ông trong vòng 48 tiếng đồng hồ, nhưng sợ rằng các ông không chịu nổi sau 6 tháng". Điều nầy sau đó được phóng viên Khanh vào tận phủ TT xin phép để giải thích tường tận trên SBTN ? 3) Nhờ tài của TT mà ngân hàng Thuỵ-sĩ mới chịu công bố các tài phiệt Mỹ trốn thuế gởi tiền vào ngân-hàng của nước nầy - và họ đang cay cú thề rằng sẽ bỏ ra 50% tiền họ có để phục thù. 4) Tại sao hiện tại dân chúng 20 tiểu bang sau bầu cữ làm đơn thỉnh nguyện ly-khai chính quyền - Hiện tại TT đang chống trả lại sự việc nầy với tiểu-bang TX.
13/11/201219:33:33
Khách
Sao ông Vủ Linh không viết một bài thừa nhận những lời bình của ông trong quá khứ là sai vì tổng thống Obama đã tái đắc cử. Ông đang lội ngược dòng lịch sử đó.
13/11/201215:49:50
Khách
Bầu cử và trào lưu dân chủ-Hưu trí nhiều thì giờ đọc báo nhưng it khi đọc được bài báo nói về đảng CH, hôm nay trên VB có tới 2 bài bình luận bầu cử vừa qua. Người viết (ngv)thú thực là dân bảo thủ khủng khiếp nhưng không cực đoan. Thắng thua là lẽ thường tình nhưng bầu cử vừa qua hay bầu cử nào cũng không qua trào lưu thế giới trong đó có phần chủ yếu của chiến lược. Bầu cử Mỹ được chú ý nhiều hơn vì đứng đầu nhiều lãnh vực vì thế 2 ứng viên -ưv- Romney và Obama được nhiều quan sát lưu tâm. Các chiến lược gia CH tưởng rằng ưv Romney thắng dễ dàng, ngv không bao giờ nghĩ như vậy. Trước hết trào lưu dân chủ các nước dù kinh tế tới mức bại sụn nhưng vẫn bầu cho cánh tả (ex. EU, Uc v..) như vậy thì lãnh đạo CH phải coi chừng, thêm vào đó ưv Romney không đủ bảo thủ như nguyên lý CH vì thế sơ bộ kéo qúa dài làm tổn thương chiến lược. Thời gian kết thúc ưv Romney được đề cử chỉ đủ cho chiến thuật không rải được chiến lược, vỏn vẹn kinh tế không thu hút phiếu bầu qua chống đỡ bằng kỹ nghệ xe hơi (CH không giám đưa yếu điểm cứu nguy xe hơi là sai lầm vì chỉ lợicho giới công nhân lương cao, pension nhiều, health cả cả đời đắt tiền, mua rac xe trừ $4,000 xe cũ v..hoặc nếu sa sút thì một phần không phải toàn kỹ nghệ xe hơi). Riêng vụ xe hơi như vậy làm thế nào CH láy phiếu MI, Wisconsin, Ohio. Nửa vời cắt kỹ nghệ quốc phòng làm mất Vỉginia. Flofida nặng ký nhưng dân di cư, không bao giờ CH lấy được phiếu dân di cư (it ra nhiều thập niên nữa) vì người di cư bỏ phiếu cho đồng hương khi ra tranh cử nhưng rất it bỏ phiếu cho bất cứ ưv nào thuộc CH vì sợ mất tiền đề an sinh xã hội hoặc không cho phép đi làm chui v.v..Bốn sai lầm chiến lược: trào lưu dân chủ (tả), kinh tế (không cứng rắn), di dân (đặt qúa nhiều hy vọng), rời bỏ hạ tầng (đa số). Như vậy làm sao thắng. Nói cách khác phe tả DC dùng chiến lược SCARE mỗi khi cần thiết (không nhắc khủng bố, dùng Racist) ngay vị cao cấp giờ chót ủng hộ ưv Obama còn tuyên bố đảng của vị đó là CH nhưng qúa nhiều kỳ thị. CH đã lọt cạm bẫy không có lối gỡ trong khi bỏ hạ tầng nhất là rời xa TEA PẢTY thì làm gì thắng nổi. Xin nhận định thêm nhiều thập niên CH chịu đựng thiểu số cho tới 1996 WE CONTRACT AMERICA lấy lại được đa số nhưng rồi lắng xuống tới 2010 TEA PARTY movement đem lại đa số, sau đó người kỳ cựu lại đi theo hướng khác. Hẳn nhiên nếu CH không củng cố theo trào lưu hiện đại đương nhiên sẽ lắng dần vào dĩ vãng vì thiếu lớp người trẻ và dũng cảm. Đối lại với SCARE (tả) tại sao không dám dùng chiến lược WHO CARE (hữu). Greece, Spain etc.. là thí dụ nhưng lại không dám đụng. lạ lắm thay
13/11/201215:15:17
Khách
Quả nhiên vẫn còn có những kẻ đang còn hậm hực với kết quả bầu cử vừa qua với chiến thắng lẫy lừng dành cho đương kim Tổng Thống . Chúng ta nên học hỏi nhiều , nhiều lắm cái tính cách cao thượng của người Mỹ qua những lời phát biểu của Thống Đốc Mitt Rommey đối với những người ái mộ ông sau kết quả kiểm phiếu khi ông biết mình đã thua cuộc , đó là có những lời chúc mừng chân thành đến với người thắng cử dĩ nhiên trong lòng ông ta vẫn còn cay đắng cũng như kêu gọi mọi người luôn sát cánh bên nhau để xoá đi những dị biệt ngõ hầu tạo ra sự cường thịnh cho đất nước Huê Kỳ . " Ý dân là ý trời " , chúng ta hẳn còn nhớ đến câu nói của tiền nhân , mặc dầu đa số dân chúng đã bầu cho vị lãnh đạo của mình bị những kẻ bất mãn cho là u mê và ngu muội . Vậy hễ kẻ nào đánh giá một tập thể dân chúng đông đảo khác với chính kiến của mình là ngu ngốc , hoá ra mình cũng là kẻ mù quáng và cố chấp lắm ru ?
13/11/201215:02:32
Khách
vũ linh có vẻ cay cú quá hả, thôi chỉ còn mình ông tỉnh nên ra làm tổng thống để cứu vớt dân My
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.