Hôm nay,  

Obama, Syria và Silly-A

31/08/201300:00:00(Xem: 10394)
Nghịch lý Obama, vũng lội Syria và Liên bang Nga cười cười...

Trong có hai năm – Tháng Ba năm 2011 và Tháng Tám 2013 - Tổng thống Barack Obama hai lần phải quyết định sử dụng võ lực để can thiệp vào một nước Hồi giáo đang gặp nội chiến. Lần này, ông còn kẹt hơn nữa, can thiệp cũng dở mà không làm gì thì còn tệ hơn! Vì sao nên nỗi?

Lần trước là tại Libya, qua một nghị quyết của Liên hiệp quốc và sự tiếp tay của các nước Tây phương, với kết quả là lãnh tụ Muammar Ghaddafi bị hạ sát. Nhưng rồi Libya bị nội loạn với hậu quả là vụ Benghazi làm Chính quyền Obama bị mang tiếng là che giấu sự thật. Lần này là tại Syria, với những tranh chấp sắc tộc và mâu thuẫn quốc tế còn gai góc gấp trăm, sau hơn hai năm nội chiến khiến hơn trăm ngàn người bị tàn sát, có khi bằng võ khí hóa học.

Từ một Tổng thống đã cố hòa giải với các nước và với thế giới Hồi giáo, việc Hoa Kỳ lại phải dụng binh là một nghịch lý... dễ hiểu: Obama tự chiếu bí. Khi bom đạn lên tiếng tại Syria, có khi nước Mỹ lỡ làng vì sau 12 năm chinh chiến tại ba nơi và chưa rút chân ra thì đã tụt vào hố cũ.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự thể.

Khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ từ Tháng Ba năm 2011, Tổng thống Obama cố giữ thái độ thận trọng vì 1) Hoa Kỳ đang triệt thoái khỏi Iraq, và 2) ông quyết định đôn quân gấp ba vào Afghanistan để đạt một số thắng lợi chính trị nhờ thành quả quân sự cho việc triệt thoái được báo trước là vào cuối năm 2014. Vì vậy, với hồ sơ Syria, ông Obama chỉ có thể đề cao những giá trị tinh thần của nhân loại, như quyền tự do và dân chủ, để lên án việc chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al Assad sử dụng bạo lực chống người dân.

Vào thời điểm ấy, không quên rằng mình đã từng kỳ vọng vào vai trò cải cách của al Assad khi còn là Nghị sĩ, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trước rằng Hoa Kỳ không can thiệp vào Syria vì Quốc hội Mỹ không đồng ý. Khổ nỗi, chế độ al Assad lại còn tàn ác hơn với dân biểu tình và số thương vong gia tăng vùn vụt. Vì vậy, Chính quyền Obama mới có lập trường cứng rắn hơn và huy động sự can thiệp của quốc tế về ngoại giao và kinh tế. Hoa Kỳ dẫn đầu qua hàng loạt quyết định cấm vận kể từ Tháng Bảy 2011. Nhưng với khả năng tiếp vận của Iran và Liên bang Nga cho Syria, đòn cấm vận không đạt kết quả.

Sau đó là một chuỗi sai lầm của Tổng thống Mỹ.

Sai lầm đầu tiên là qua Tháng Tám năm 2011, Obama công khai tuyên bố rằng al-Assad "phải ra đi". Tổng thống Hoa Kỳ chỉ nên nhân danh đạo đức con người mà kết án một chế độ hung đồ là đi ngược trào lưu hay lịch sử khi chà đạp nhân quyền và tàn sát thường dân.

Ông ta hay bà ta không thể nói rằng lãnh tụ nay hay Tổng thống kia của một xứ nào đó "phải ra đi". Nhân danh cái gì mà bảo như vậy? Lý do đơn giản là theo đúng giá trị tinh thần mà nước Mỹ đề cao, ra đi hay không là một quyết định của người dân xứ đó.

Cũng theo đúng giá trị tinh thần đó, nếu người dân bị đàn áp và không còn tiếng nói thì quốc tế phải lên tiếng. Quốc tế ở đây là Liên hiệp quốc, qua một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an với năm hội viên thường trực và có quyền phủ quyết là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu. Vì Nga và Trung Quốc có lập trường bênh vực chế độ al Assad – và còn muốn Hoa Kỳ thêm sa lầy trong thế giới Hồi giáo - Liên hiệp quốc không thể có một nghị quyết lên án.

Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có thể nhân danh đạo lý con người mà giúp cho tiếng nói người dân Syria được thể hiện, khiến al Assad phải ra đi.

Nói cách khác, ngày 18 Tháng Tám năm 2011, khi công khai tuyên bố rằng al Assad phải từ chức, ông Obama hàm ý là thế giới (Liên hiệp quốc) hay/và Hoa Kỳ phải có thái độ. Thực tế, hôm đó ông còn chìm sâu hơn trong vòng luẩn quẩn của tay mơ, khi tuyên bố nước đôi: 1) Hoa Kỳ không can thiệp vào nội tình Syria, 2) ngoài các áp lực chính trị và kinh tế. Vì các áp lực này đều vô hiệu, lời hăm dọa của Tổng thống Mỹ chỉ chứng tỏ khả năng giới hạn của Hoa Kỳ.

Xin nhớ lại: Tổng thống một đệ nhất siêu cường tuyên bố rằng Tổng thống một xứ độc tài phải ra đi mà hai năm sau, al Assad vẫn còn ở đó và tàn sát thường dân dữ dội hơn. Obama làm cho lời tuyên bố của mình là vô giá trị và Syria, Nga cùng Iran đều biết vậy.

Quả nhiên là tới đầu năm 2012, nội tình Syra còn tồi tệ hơn, mà các cuộc vận động ngoại giao của Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu đều thất bại. Một nghị quyết do nước Anh soạn thảo bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bác bỏ vào ngày 24 Tháng Hai vì lá phiếu phủ quyết của hai hội viên Nga Tầu.

Sáu tháng sau, ông Obama lại tự chiếu bí lần thứ hai.

Nhờ Iran hỗ trợ và nhờ sự bảo vệ của Nga và Trung Quốc, chế độ al Assad ra tay đàn áp các nhóm võ trang đối lập lẫn thường dân. Tháng Tám năm 2011, Tổng thống Obama vẽ ra một vòng vây hãm thứ hai cho chính mình, khi khẳng định rằng việc Chính quyền Syria sử dụng võ khí tàn sát bằng hoá học là vượt "lằn ranh đỏ".

Theo ý Obama, lý do của lằn ranh bất khả xâm phạm này là vì nó gây hậu quả nghiêm trọng và mở rộng tình trạng xung đột ra toàn khu vực.

Sau khi nói là al Assad phải ra đi – mà cứ còn ở đó và còn hung bạo hơn - Tổng thống Mỹ vạch ra một tối hậu thư thứ nhì, trên cát. Dù vậy, chế độ al Assad vẫn sử dụng võ khí hóa học chống lại thường dân, như tình báo của Anh và Pháp đã xác nhận, mà Hoa Kỳ cố gắng điều tra nhưng chưa có kết quả nên đành làm lơ....

Một năm sau, vào tuần qua, Hoa Kỳ xác nhận là chế độ al-Assad lại vừa dùng võ khí hóa học lần nữa. Đấy là lúc ông Obama tự đẩy vào chỗ phải quyết định can thiệp vào Syria, bằng giải pháp quân sự.

Vì vậy, từ thấp lên cao, từ phát ngôn viên Phủ Tổng thống đến Ngoại trưởng rồi Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã theo nhau lên tiếng về nhu cầu can thiệp vào Syria. Ngày Thứ Hai đầu tuần, Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ là Đại tướng Martin Dempsey có phiên họp khẩn cấp tại thủ đô Amman của Jordan với lãnh đạo quân sự của các đồng minh là Anh, Pháp, Đức, Ý, Gia Nã Đại và Turkey, Jordan, Saudi Arabia và Qatar. Nhưng trước đấy, chính ông Dempsey cũng nói rõ về những khó khăn của một giải pháp quân sự....

Bây giờ, lãnh đạo bộ Quốc phòng và quân lực Mỹ đều tự chuẩn bị để khi Tổng thống ra lệnh là họ thi hành nhiệm vụ.

Nhưng vì sao Tổng thống lại để mình rơi vào hoàn cảnh phải ra lệnh như vậy?

Đa số dân Mỹ thật ra chưa hiểu, hoặc không đồng ý, là tại sao Hoa Kỳ lại phải can thiệp vào Syria? Trong hơn hai năm liền, ông Obama không một lần nào chủ động trình bày hồ sơ Syria cho quốc dân cùng rõ về hậu quả, để tranh thủ hậu thuẫn cho một quyết định dụng binh khi cần thiết. Ông chỉ bắn tiếng hăm dọa đối phương mà quên hẳn dư luận ở nhà.

Khi đã phải quyết định can thiệp, ban tham mưu của ông còn cố tình tiết lộ chi tiết, và cả thời điểm tấn công là ngày Thứ Năm 29, có lẽ để lại bắn tiếng trong một đòn tháu cáy. Truyền thông Hoa Kỳ và cả Việt ngữ lật đật chụp lấy tin đó, và bị bẽ bàng. Bẽ bàng vì sau khi ra tối hậu thư, ông Obama vẫn không nói gì với quốc dân và quốc hội ở nhà, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron xin phép Quốc hội Anh và bị bác.

Tại Hoa Kỳ, Quốc hội Mỹ không quên chuyện đảo điên thời trước.

Sau vụ 9-11, Tổng thống George W. Bush có hậu thuẫn toàn dân để mở ra chiến dịch Afghanistan rồi Iraq. Việc tấn công Iraq được sự ủng hộ của lưỡng viện và lưỡng đảng sau 17 nghị quyết của Liên hiệp quốc mà rốt cuộc lại gây tổn thất chính trị nặng nhất cho Chính quyền Bush. Kể cả lời vu cáo rằng ông Bush gian dối với Quốc hội về chuyện võ khí tàn sát. Bây giờ, Liên hiệp quốc cũng lại yêu cầu phải điều tra rõ ràng hơn về vụ võ khí hóa học tại Syria, và dù có xác nhận thì vẫn còn hai con kỳ đà cản mũi trong Hội đồng Bảo an.

Cái nghiệp Bush đang tái diễn với Obama. Tổng thống Mỹ đã để cho mình bị áp lực phải tham chiến vì ba bốn lý do sau đây.

Obama từng kêu gọi quốc tế giảm trừ võ trang và kiểm soát việc phổ biến võ khí tàn sát hàng loạt, trong đó có võ khí hoá học. Nhưng thế giới có hai chế độ hung đồ lại bất chấp lời kêu gọi mà cứ chế tạo võ khí hạch tâm, hỏa tiễn và còn phổ biến võ khí giết người hàng loạt cho các nước độc tài, kể cả Syria. Đó là Bắc Hàn và Iran.

Khi vạch lằn ranh đỏ cho chế độ độc tài Syria, ông Obama tự đẩy mình vào kho đạn: nếu al Assad bước qua lằn ranh mà Hoa Kỳ lại án binh bất động thì Bắc Hàn và Iran sẽ kết luận rằng Tổng thống Mỹ chỉ tháu cáy, chứ không dám động binh. Muốn chứng minh ngược thì Obama phải bấm nút!

Lý do kia là chế độ al Assad còn tồn tại là nhờ Iran, Nga và Tầu. Hai năm sau khi Obama tuyên bố rằng al Assad phải ra đi mà lãnh tụ hung bạo này vẫn còn đó thì hai đối thủ kia kết luận rằng Tổng thống Mỹ là người không đáng sợ. Các chế độ chống Mỹ đều có thể kết luận như vậy nên Hoa Kỳ phải can thiệp để chứng minh ngược lại.

Lý do thứ ba là các nước đồng minh Hồi giáo của Hoa Kỳ cũng yêu cầu Obama có lập trường cứng rắn hơn với Syria và Iran. Sau khi Mỹ bỏ rơi Hosni Mubarak tại Ai Cập và chần chờ tại Syria, các nước Hồi giáo thân Mỹ bị các chế độ quá khích đe dọa. Trong khi ấy, Iran có thể phong tỏa Eo biển Hormuz, Syria và lực lượng Huynh đệ Hồi giáo có thể xúi giục lực hai nhóm khủng bố Hezbollah và Hamas gây rối loạn trong vùng. Và khi có chuyện, Israel có thể bị Syria đánh phủ đầu để tự vệ.....

Nghĩa là nếu Tổng thống Mỹ không có phản ứng thì đồng minh sẽ hết tin Hoa Kỳ, các lực lượng Hồi giáo cực đoan và cả phong trào khủng bố lại thừa cơ bành trướng trong toàn khu vực, từ Bắc Phi qua Tây Phi và Trung Đông.

Lý do cuối cùng, sau khi đòi al Assad phải từ chức và hai lần vẽ lằn ranh đỏ, Tổng thống Mỹ bị đẩy tới chỗ phải can thiệp vào Syria vì một lý do thuộc loại chiến lược cho quyền lợi Hoa Kỳ: Nếu không can thiệp thì Hoa Kỳ mất hết tư thế trong thế giới Hồi giáo, đồng minh chẳng tin mà kẻ thù chẳng sợ. Bây giờ, Obama phải chứng minh với Quốc hội và quốc dân rằng việc can thiệp này là một yêu cầu về "quyền lợi chiến lược của tổ quốc".

Còn quân lực Hoa Kỳ phải hoàn tất nhiệm vụ thật ra nan giải. Với hậu quả chẳng có gì là bất ngờ là trôi vào một vũng lầy khác....

Tổng kết lại, sau khi tránh né việc dụng binh, Hoa Kỳ đang gặp trở ngại quốc tế, từ Liên hiệp quốc đến các đồng minh Anh Pháp, nên có thể phải ra quân một mình. Nước Mỹ thừa sức làm chuyện đó, một cách tượng trưng. Nhưng khi can thiệp một cách miễn cưỡng và chớp nhoáng như vậy thì không thể làm thay đổi cục diện tại Syria. Mà chỉ chứng minh rằng thế giới vẫn nên sợ Hoa Kỳ, nhưng nên thương một ông Tổng thống lạng quạng. Và thương nhất là các chiến binh Mỹ, họ đang chờ lệnh để thi hành một sứ mệnh thiếu hậu thuẫn của người dân.

Đừng ai nhìn vào cái vẻ cười cười của Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga. Đau lắm!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.