Hôm nay,  

Đọc Hồi Ký Triệu Tử Dương (1)

02/06/200900:00:00(Xem: 15663)

Đọc Hồi Ký Triệu Tử Dương (1)

Lý Thái Hùng
Phần 1
Ngày 19 tháng 5 năm 2009 vừa qua, nhà xuất bản Simon & Schutter tại Nữu Ước đã cho ra mắt chính thức tập Hồi Ký của ông Triệu Tử Dương, cựu Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Trung Quốc, có tên là Prisoner of the State (Tù Nhân của Nhà Nước). Tập Hồi Ký này do ba người gồm Bào Phú (Bao Pu), Renee Chiang (vợ của ông Bào Phú) và Adi Ignatius (Chủ bút tạp chí Harvard Business Review) dịch và biên soạn từ những lời tự sự của họ Triệu, do chính ông tự thu lấy trong 30 cuộn băng cassette, mỗi cuộn dài 60 phút vào khoảng năm 2000. Gia đình hoàn toàn không biết gì về kế hoạch thu băng của ông Triệu Tử Dương. Mãi cho đến khi ông mất vào tháng 1 năm 2005, những người bạn rất thân của ông Triệu Tử Dương mới cho gia đình biết là họ đang giữ một số cuộn băng ghi những lời phát biểu của họ Triệu mà ông đã nhờ họ cất giữ. 30 cuộn băng cassette này thu ở phẩm chất rất tệ và từ những cuộn băng trước đó đã từng thu các bài hát thiếu nhi hay những tuồng hát bội của Tàu. Ông Triệu Tử Dương đã mất hai năm để thu các cuộn băng trong hoàn cảnh luôn luôn bị 5 công an canh chừng từ sáng đến tối. Ông đã cẩn thận ghi số thứ tự theo thời gian trên các cuộn băng. Mỗi người chỉ giữ một vài cuộn để tránh việc bị mất hoặc bị tịch thu toàn bộ. Sau này, gia đình cũng tìm thấy trọn bộ những cuốn băng mà ông Triệu Tử Dương đã cất dấu trong những đồ chơi của con cháu trong thư phòng của ông.
Ông Triệu Tử Dương đã không để lại sự hướng dẫn về việc khi nào và bằng cách nào phổ biến các lời tự sự của ông; nhưng trong cuộn băng đầu tiên ông có nói rằng làm sao những điều phát biểu của ông, đặc biệt liên quan đến biến cố Thiên An Môn phải được lưu truyền mãi mãi. Ông đã nói như sau: Tôi lưu lại đây một số điều liên quan đến biến cố Lục Tứ (người Trung Quốc gọi biến cố Thiên An Môn là biến cố Lục Tứ vì xảy ra vào ngày 4 tháng 6) bởi vì tôi ưu tư rằng tôi có thể bắt đầu quên những điểm đặc thù của nó. Tôi hy vọng những điều tự sự của tôi như là một dấu ấn của lịch sử”. (1) Chính ước nguyện này mà ông Bào Đồng nguyên là Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên là bí thư của ông Triệu Tử Dương, người đã bị đi tù 7 năm vì biến cố Thiên An Môn và được coi là nhân vật thân cận nhất của gia đình họ Triệu, đã tổng hợp 30 cuộn băng từ những người bạn thân mà họ Triệu nhờ cất giữ. Ông Bào Đồng cùng với ba cựu cán bộ cao cấp khác như Xiao Hongda (Cựu Ủy viên Ban Kỷ Luật Trung Ương Đảng), Yao Xihua (Cựu Chủ Bút Nhật Báo Quang Minh) và Du Daozheng (Tổng giám đốc Cục Báo chí và xuất bản) đã bí mật xả các cuộn băng  ra thành bài viết và đã chuyển cho người con của ông ở Hồng Kông là Bào Phú để xúc tiến việc dịch và in thành sách từ cuối năm 2007.
Tập Hồi Ký “Tù Nhân của Nhà Nước” dày trên 300 trang chia làm 6 phần chính: 1/Cuộc thảm sát Thiên An Môn; 2/Quản thúc tại gia; 3/Căn nguyên của sự bộc phát nền kinh tế Trung Quốc; 4/Đấu đá trong Bộ chính trị; 5/Năm Náo Động; 6/Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào. Ngoài 6 phần chính đăng lại phần tự sự của ông Triệu Tử Dương nói trên, tập Hồi Ký còn có một số bài như:
-Lời Tựa do Adi Ignatius, từng là người chuyên trách các vấn đề Trung Quốc của Nhật Báo Wall Street Journal trong thời kỳ ông Triệu Tử Dương cầm quyền, đã thay mặt nhóm biên soạn trình bày về nguyên do ra đời của tập Hồi Ký với việc phát hiện 30 cuộn băng ghi âm lời tự sự của ông Triệu Tử Dương như thế nào, cùng với một vài sự kiện đặc thù trong mối quan hệ giữa họ Triệu với một số nhân vật Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Lý Bằng từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa cho đến khi xảy ra biến cố Thiên An Môn. Theo lời họ Triệu thì Đặng Tiểu Bình là nhân vật ẩn chứa nhiều mâu thuẫn. Đặng Tiểu Bình được phác hoạ như một “bố già” nham hiểm, vừa thiếu tự tin, vừa dễ bị lung lạc bởi các phe nhóm quyền lợi. Ở phần cuối Lời Tựa, Adi Ignatius viết rằng: “Mặc dù bây giờ ông Triệu nói ra từ địa ngục, nhưng giọng nói của ông sẽ có một sức mạnh tinh thần khiến cho Trung Quốc phải đứng dậy và lắng nghe”. (2)
-Lời Giới Thiệu do Roderick MacFarquhar, chính trị gia Anh, giáo sư chuyên khoa về Trung Quốc tại Đại Học Harvard, Hoa Kỳ, tác giả của nhiều sách biên khảo về Trung Hoa. Giáo sư Roderick MacFarduhar cho biết chỉ gặp ông Triệu Tử Dương có một lần ở London khi họ Triệu tham quan Anh Quốc vào năm 1979 trong tư cách là Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, nhưng đã để lại dấu ấn nơi ông là một con người có nhiều năng lực đặc biệt. Trong ký ức đó, giáo sư Roderick MacFacquhar đã trình bày khá dài về những diễn biến chính trị mà ông Triệu Tử Dương đã chiến đấu với những đối thủ thuộc phe bảo thủ, khi ông cùng với ông Hồ Diệu Bang liên minh với Đặng Tiểu Bình trong phe cải cách. Ở phần cuối, giáo sư Roderick Macfarduhar đã đề cập về mối quan hệ phức tạp giữa Triệu Tử Dương và Lý Bằng khi sinh viên tự phát làm lễ tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang tại Thiên An Môn. Lúc đầu Lý Bằng đã làm theo các ý kiến của Triệu Tử Dương; nhưng khi họ Triệu khởi hành chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên từ ngày 23 tháng 4, thì thái độ của Lý Bằng thay đổi, dẫn đến  cuộc tàn sát đẫm máu sau đó. Nhờ những phân tích chi tiết các diễn biến chính trị của giáo sư Roderick Macfarduhar trong Lời Giới Thiệu đã giúp cho độc giả có thể hiểu rõ hơn các phần tự sự của họ Triệu sau đó.
Ở cuối quyển sách còn có Lời Bạt của Bào Phú, con trai của cựu Ủy viên Trung Ương Đảng Bào Đồng tóm lược về những đấu đá chính trị trong thượng tầng lãnh đạo, đặc biệt là đối với nhóm cán bộ lãnh đạo lão thành, khi ông Triệu Tử Dương được ông Đặng Tiểu Bình đưa về nắm giữ vị trí lãnh đạo Trung Ương từ năm 1980. Đặc biệt có hai phụ lục quan trọng ở cuối sách là tiểu sử chi tiết của Triệu Tử Dương và tiểu sử của một số nhân vật có ảnh hưởng lên các biến cố gần đây tại Trung Quốc để giúp cho độc giả dễ theo dõi và đối chiếu.
Nhà xuất bản còn cho đăng lại khoảng 13 tấm hình liên quan đến cuộc đời của họ Triệu trong đó có một tấm hình đáng chú ý là cuộc họp bí mật của một số cán bộ trung thành với Đặng Tiểu Bình tại nhà họ Đặng do Dương Thiệu Minh, con trai của Tướng Dương Thượng Côn và là người bạn của gia đình ông Triệu Tử Dương chụp, nơi đã từng diễn ra cuộc họp lấy quyết định sử dụng quân đội để đàn áp sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.
Vì khuôn khổ giới hạn của một bài viết,  chúng tôi sẽ chỉ tóm lược những ý chính ở hai chương đầu liên quan đến cuộc thảm sát Thiên An Môn và 15 năm bị quản thúc tại gia mà ông Triệu Tử Dương đã trình bày trong tập Hồi Ký, nhân dịp chúng ta tưởng niệm những nạn nhân của biến cố Thiên An Môn cách nay 20 năm (4/6/1989 – 4/6/2009).
*
Trước khi đi vào nội dung, chúng ta cũng nên lược qua đôi dòng tiểu sử để biết Triệu Tử Dương là người như thế nào"
Triệu Tử Dương sinh vào ngày 17 tháng 10 năm 1919 tại Quận Hoa, Tỉnh Hà Nam. Năm 1932 ông tham gia vào Liên đoàn Thanh niên Cộng sản và  năm 1935 trở thành cán bộ hoạt động cho đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng đến năm 1938 mới được kết nạp chính thức.  Tháng 3 năm 1949 được bầu làm Bí thư vùng Nan Đương, tỉnh Hà Nam, nhưng đến 1951 thì đổi sang làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Đông. Năm 1965 họ Triệu trở thành Bí thư Tỉnh ủy ở tuổi 40, trẻ nhất vào lúc đó. Khi cuộc cách mạng văn hóa bùng phát vào năm 1966, Triệu Tử Dương bị bắt giữ ở bộ chỉ huy quân khu Quảng Đông một thời gian và sau đó đưa về lao động ở xưởng Ôtô tại Tỉnh Hồ Nam. Tháng 4 năm 1972, ông Triệu Tử Dương được đưa về làm Phó chủ tịch uỷ ban giải phóng tỉnh Quảng Đông và đến mùa Thu năm 1973 thì được bầu vào Trung ương Đảng. Tháng 10 năm 1975, họ Triệu được ông Đặng Tiểu Bình đưa về làm Đệ nhất bí thư tỉnh Tứ Xuyên và bắt đầu thực hiện kế hoạch cải cách tại đây. Những chương trình cải cách của họ Triệu đã được Trung ương chú ý và đánh giá cao nên từ tháng 8 năm 1977, nhiều cán bộ lão thành đã đề nghị ông vào Bộ chính trị nhưng đến tháng 9 năm 1979 mới chính thức trở thành Ủy viên Bộ chính trị.
Tháng 2 năm 1980, Triệu Tử Dương trở thành Thường Trực Bộ chính trị và đến tháng 3 năm 1980 thì được đề cử là người đứng đầu ủy ban kinh tế và tài chánh trung ương. Tháng 4 năm 1980 được đề cử làm Phó thủ tướng và đến tháng 9 năm 1980 trở thành Thủ tướng. Từ tháng 10 năm 1986, ông Triệu Tử Dương đã cùng với Tổng bí thư Hồ Diệu Bang và một số nhân vật khác như Hồ Kính Lập, Thiên Tự Dung, Phát Ỷ Bố tiến hành một loạt những cải cách về mặt chính trị. Chính vì những cải cách này, ông Hồ Diệu Bang đã bị nhóm cán bộ lão thành tạo áp lực từ chức Tổng Bí Thư đảng vào ngày 16 tháng 1 năm 1987, Triệu Tử Dương được họ Đặng đưa lên thay thế trong vai trò quyền Tổng Bí Thư. Trong đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 10 năm 1987, ông Triệu Tử Dương được bầu làm Tổng Bí Thư kiêm đệ nhất phó chủ tịch Quân ủy và là thành viên thường trực Bộ chính trị. Sau biến cố Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, ông Triệu Từ Dương bị cô lập và bị tước bỏ mọi trách vụ lãnh đạo từ sau Hội nghị trung ương 4 khóa 13 vào hai ngày 23-24 tháng 6 năm 1989. Kể từ đó ông bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia cho đến lúc mất vào ngày 17 tháng 1 năm 2005. (3)
Sau đây là những nội dung chính yếu của tập Hồi Ký "Tù Nhân Của Nhà Nước":
*
Phần Một: Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn, gồm 7 chương: 1/Những chống đối của sinh viên bắt đầu; 2/Bài xã luận khiến mọi điều xấu hơn; 3/Xung đột quyền lực; 4/Cuộc đàn áp; 5/Những cáo buộc tràn lan; 6/Chiến dịch chống Triệu Tử Dương; 7/Cuộc trao đổi của Triệu Tử Dương với Gorbachev.
Chương 1: Những Chống Đối Của Sinh Viên Bắt Đầu
Ông Triệu  Tử Dương cho rằng khởi đầu của việc sinh viên chống đối liên hệ đến lễ truy điệu cố Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang mất vào ngày 15 tháng 4 năm 1989. Đêm 18 và 19, hàng trăm sinh viên đã tụ tập tại  cổng Tân Hoa, bên ngoài trụ sở Trung Ương Đảng rất trật tự và chỉ muốn được gặp lãnh đạo. Ngày 22 tháng 4, khi buổi lễ truy điệu ông Hồ Diệu Bang được tổ chức nơi Nhân Dân Đại Sảnh thì đã có hàng chục ngàn sinh tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, theo dõi buổi lễ qua các loa phóng thanh cực mạnh. Ông Triệu Tử Dương cho rằng sinh viên tham gia tưởng niệm Hồ Diệu Bang vì ba lý do: 1/Hồ Diệu Bang là người được công chúng ưa thích vì đã giải quyết được nhiều vụ sai phạm sau thời Mao và luôn luôn chủ trương cải cách; 2/Đa số mọi người bất mãn về việc cách chức Tổng Bí Thư của ông Hồ Diệu Bang vào năm 1987 và không chấp nhận hướng đi thay đổi của thành phần lãnh đạo mới; 3/Không có những cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế khiến cho hầu hết sinh viên thất vọng nên họ đã bày tỏ sự mong ước thay đổi đó trong buổi lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang.
Trong nhóm sinh viên chống đối, Triệu Tử Dương chia làm ba loại người: tuyệt đại đa số là những người có tình cảm thương nhớ Hồ Diệu Bang; một số không nhỏ thì bất mãn những cải tổ của lãnh đạo Bắc Kinh nên mượn cớ chống đối; một thiểu số nhỏ có chủ tâm chống đảng và chống xã hội chủ nghĩa tìm cách xé to những bất mãn. Do tầm nhìn này mà Triệu Tử Dương kể rằng tại cuộc họp Thường trực Bộ chính trị, ông đã đưa ý kiến là không nên cấm các hoạt động tụ tập của sinh viên trong lúc Trung ương đảng tổ chức các buổi lễ truy điệu. Sau các lễ truy điệu Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương đã đề nghị ba nguyên tắc hành động: 1/Họạt động truy điệu đã kết thúc, đời sống xã hội nên trở lại bình thường. Phải khuyên sinh viên không nên tiếp tục tuần hành trên đường phố mà trở lại lớp học. 2/Dựa trên phương hướng giảm thiểu căng thẳng, mở ra các cuộc đối thoại bằng nhiều tầng nấc, nhiều ngả và nhiều hình thức khác nhau để thông cảm và gia tăng hiểu biết. Cho tất cả sinh viên, giáo sư, trí thức được tự do bày tỏ quan điểm; 3/Phải tránh đổ máu dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, nếu những kẻ nào vi phạm vào năm hành động như đánh người, đập phá, cướp bóc, đốt nhà, xâm phạm sẽ bị trừng phạt theo luật pháp.
Đề nghị của họ Triệu đã được Thủ tướng Lý Bằng và Thường trực Bộ chính trị đồng ý trên một văn bản chính thức. Triệu Tử Dương còn yêu cầu phổ biến rộng rãi ba nguyên tắc hành động nói trên đến các cơ quan nhà nước cho đến tận các cơ sở địa phương, trước khi ông viếng thăm Bắc Hàn. Chiều ngày 23 tháng 4, Thủ tướng Lý Bằng đã đến ga Bắc Kinh tiễn đưa Triệu Tử Dương lên đường thăm Bắc Triều Tiên bằng xe lửa. Lý Bằng hỏi họ Triệu là có chỉ thị gì thêm hay không thì Triệu Tử Dương nói mọi hành động dựa trên ba nguyên tắc đã đưa ra là đủ. Sau này, họ Triệu nghe kể lại là Lý Bằng có báo cáo ba nguyên tắc hành động nói trên cho ông Đặng Tiểu Bình và họ Đặng cũng đã biểu thị sự tán đồng. Theo ông Triệu Tử Dương thì vào thời điểm đó, đã không có sự bất đồng nào xảy ra trong Thường trực Bộ chính trị và cho đến ngày 20 tháng 4, hầu hết sinh viên đã không còn tập hợp tại cổng Tân Hoa, trước trụ sở Trung Ương Đảng.
Chương 2: Bài Xã Luận Khiến Mọi Điều Xấu Hơn
Tại sao sinh viên lại quay ra làm cho tình hình rối rắm" Ông Triệu Tử Dương cho rằng mấu chốt là nằm ở bài xã luận đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 26 tháng 4. Sinh viên đã bất mãn vì bài báo này kết án các cuộc tụ họp biểu tình của họ là “có âm mưu tổ chức làm loạn với động lực chống lại đảng và chống xã hội chủ nghĩa”. (4) Ông Triệu Tử Dương đã kể lại diễn tiến là vào ngày 19 tháng 4, ông đã gặp Đặng Tiểu Bình để trao đổi về chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên và trình bày quan điểm của ông về các cuộc biểu tình của sinh viên. Họ Đặng đã tán đồng các quan điểm của Triệu Tử Dương. Trong lúc đang viếng thăm Bắc Triều Tiên, mọi đối phó tình hình, họ Triệu đã giao cho Thủ Tướng Lý Bằng giải quyết. Tối 24 tháng 4, Lý Bằng đột ngột kêu Thường vụ Bộ chính trị họp khẩn cùng với sự tham dự của hai nhân sự của Thành ủy Bắc Kinh là Lý Dương Danh (Bí Thư Thành Ủy Bắc Kinh) và Trần Hy Đồng (Thị Trưởng Bắc Kinh); hai nhân vật này báo cáo là sinh viên các đại học ở Bắc Kinh đã liên lạc với các đại học khắp nơi kêu gọi chuẩn bị tổng biểu tình toàn quốc trên các đường phố nên phải có biện pháp ngăn chận. Trong thực tế thì đa số sinh viên đã trở lại lớp học, chỉ có một thiểu số cực đoạn chận các cửa lớp và kích động biểu tình tiếp tục; nhưng đa số thì muốn giảm căng thẳng và chờ đợi sự đối thoại.
Ngày hôm sau 25 tháng 4, Lý Bằng và Dương Thượng Côn (Chủ tịch nước) đã báo cáo cuộc họp của Thường trực Bộ chính trị cho Đặng Tiểu Bình và sau khi lắng nghe những báo cáo, họ Đặng đã đồng ý coi các cuộc biểu tình của sinh viên là chống đảng và chống xã hội chủ nghĩa, và đề nghị biện pháp mạnh để nhanh chóng chấm dứt tình trạng hỗn loạn. Triệu Tử Dương cho rằng thái độ của họ Đặng đã thay đổi quá nhanh. Ngày 19 tháng 4 khi gặp Triệu Tử Dương thì tán đồng cách giải quyết ôn hòa của họ Triệu. Ngày 25 tháng 4, sau khi nghe báo cáo của Lý Bằng và Dương Thượng Côn thì họ Đặng đã thay đổi suy nghĩ theo hướng nhận định của Lý Bằng; chung qui cũng vì việc dùng biện pháp mạnh thích hợp với quan điểm của ông ta hơn. Chính do sự đồng tình này của Đặng Tiểu Bình mà Lý Bằng đã ra lệnh cho báo Nhân Dân viết bài xã luận tố cáo sinh viên đang có âm mưu chống đảng, phát hành vào sáng ngày 26 tháng 4. Ngày hôm sau, 27 tháng 4 đã có hơn 100  ngàn sinh viên xuống đường bày tỏ sự bất bình về bài xã luận và coi đó là hành động đối đầu của đảng đối với sinh viên.
Bài xã luận ngày 26 tháng 4 trên báo Nhân Dân không những chọc giận sinh viên mà còn làm cho các đoàn thể, các cơ quan đảng và chính quyền và thành phần trí thức bất mãn tột cùng. Vì lý do đó mà nhiều cán bộ, công viên chức và trí thức đã công khai ủng hộ và bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình với sinh viên. Diễn biến này đã làm cho thành phần cán bộ lão thành trong đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ sự đối đầu leo thang có thể dẫn đến đổ máu nên đã yêu cầu Trung Uơng Đảng tuyệt đối tránh bạo lực. Đối diện với sự chống đối của thành phần cán bộ lão thành và hàng trăm ngàn sinh viên biểu tình, Lý Bằng và ban lãnh đạo Thành ủy Bắc Kinh rơi vào tình thế bị động.
Ông Triệu Tử Dương cho biết là vào lúc đó ông đang ở Bắc Triều Tiên, có đọc biên bản họp của Thường Trực Bộ chính trị và đọc bản ý kiến của Đặng Tiểu Bình gửi đến cho ông. Vì ở xa, không nắm vững nội tình nên họ Triệu vào lúc đó cho biết là đã phải đánh một điện tín về cho ban lãnh đạo: “Tôi hoàn toàn đồng ý các quyết sách của đồng chí Đặng Tiểu Bình về tình hình động loạn”. (5) Lý do mà họ Triệu bày tỏ sự tán đồng quyết sách của họ Đặng vì không nghĩ rằng ban lãnh đạo sẽ lấy các quyết định khẩn cấp để chống lại sinh viên. Họ Triệu nghĩ rằng những cuộc biểu tình của sinh viên chưa ở mức đe dọa sự ổn định hay ngăn cản tiến trình cải tổ đã được Trung ương đảng khóa 13 thông qua hồi tháng 10 năm 1987.
Chương 3:  Xung Đột Quyền Lực
Ba nguyên tắc mà Triệu Tử Dương đưa ra để giải quyết các cuộc biểu tình của sinh viên đã bị Lý Bằng và một số người khác thay đổi khi họ Triệu đang công du tại Bắc Triều Tiên. Ông Triệu Tử Dương đã phải đối diện trước hai luồng suy nghĩ đối nghịch trong việc giải quyết cuộc biểu tình của sinh viên  ngay sau khi trở về Bắc Kinh. Quyết định của Lý Bằng trong việc cho phổ biến rộng rãi những phê phán gắt gao của Đặng Tiểu Bình đối với sinh viên vào hai ngày 25 và 26 tháng 4 đến các cấp chính quyền địa phương và thành phố Bắc Kinh đã làm cho họ Đặng khó chịu vì bị dư luận lên án. Gia đình Đặng Tiểu Bình cho là Lý Bằng đã đẩy họ Đặng ra tuyến đầu để hứng chịu búa rìu dư luận trong khi họ nghĩ ông Đặng là người tốt đối với sinh viên. Trước những áp lực này, Lý Bằng đã phải nhờ ông Bào Đồng, lúc đó là thư ký của Thường trực Bộ chính trị thảo một bài xã luận khác vào ngày 29 tháng 4 và yêu cầu Viên Mu (phát ngôn nhân Bộ ngoại giao) và Hứa Đồng Trường, Thử trưởng Bộ giáo dục xúc tiến cuộc đối thoại với sinh viên. Theo báo cáo thì cuộc đối thoại đã diễn ra tốt đẹp vì đã giải thích rằng bài xã luận ngày 26 tháng 4 không nhằm chống toàn thể sinh viên mà chỉ nhắm vào một thiểu số nhỏ lợi dụng để chống đảng, chống xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy mà tình hình của sinh viên bắt đầu lắng dịu.


Mặt khác, Lý Bằng và cả Diệu Ỷ Lâm đã áp lực buộc Triệu Tử Dương phải ủng hộ bài xã luận ngày 26 tháng 4, đồng thời phải thêm một số câu như “chống sự rối loạn”, “chống tự do tư sản” trong bài nói chuyện về cuộc vận động Ngũ Tứ, nếu không cả hai sẽ từ chức. Ngoài ra, thông qua ông Bào Đồng, con gái của Đặng Tiểu Bình là bà Đặng Dung đã nhờ ông Triệu Tử Dương nói trong bài phát biểu về cuộc vận động Ngũ Tứ rằng ông Đặng Tiểu Bình luôn luôn yêu mến và bảo vệ giới trẻ. Ông Triệu Tử Dương cho biết là ông dự tính sẽ phản đối mạnh mẽ bài xã luận ngày 26 tháng 4 khi trở về từ Bắc Hàn; nhưng sau khi nghe báo cáo tình hình và không muốn tạo sự thay đổi chính sách nên ông im lặng; nhưng cho xúc tiến cuộc đối thoại không chỉ đối với sinh viên mà cả thành phần công nhân, giáo chức để tạo một sự hòa giải rộng lớn hơn.  Từ ngày 1 đến 5 tháng 5, Triệu Tử Dương đã tự mình mở hàng loạt các cuộc đối thoại với hiệu trưởng đại học Bắc Kinh, với đại diện  các tổ chức chính trị khác và nhất là đối thoại với Ủy viên trung ương Liên Minh dân chủ Trung Quốc. Sau những cuộc gặp gỡ nói trên, Triệu Tử Dương tin tưởng mạnh mẽ rằng, cuộc biểu tình của sinh viên đã có sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp quần chúng và bài xã luận ngày 26 tháng 4 là một sai lầm.
Tuy nhiên, theo ông Triệu Tử Dường thì lúc này ông Đặng Tiểu Bình ủng hộ quan điểm cứng rắn đối với sinh viên của Lý Bằng và Diệu Ỷ Lâm. Triệu Tử Dương muốn tranh thủ sự ủng hộ của họ Đặng nhưng ông Đặng Tiểu Bình đã từ chối tiếp họ Triệu với lý do sức khoẻ và còn nói rằng có thể ông sẽ không thể tiếp được ông Gorbachev khi đến thăm Bắc Kinh. Lúc đó Triệu Tử Dương tin rằng ông Đặng Tiểu Bình bị bệnh thật, nhưng sau khi gặp vào trao đổi với Chủ tịch nước Dương Thượng Côn và sau khi thảo luận với các thành viên trong Thường trực Bộ chính trị gồm Hồ Kính Lập, Kiều Thạch, Lý Bằng và Diệu Ỷ Lâm về chính sách mới đối với sinh viên thì Thường vụ Bộ chính trị đã chia làm ba khuynh hướng: Triệu Tử Dương và Hồ Kính Lập muốn giải quyết ôn hòa qua đối thoại với sinh viên. Lý Bằng và Diệu Ỷ Lâm  theo Đặng Tiểu Bình chủ trương dùng biện pháp mạnh. Kiều Thạch đứng giữ nhưng ngã về giải pháp của Lý Bằng. Cuộc chiến bắt đầu từ đó và hoàn toàn bất lợi cho ông Triệu Tử Dương.
Chương 4: Cuộc Đàn Áp.
Chiều ngày 13 tháng 5 năm 1989, hơn 200 sinh viên từ hơn 20 đại học cùng với sự ủng hộ của khoảng một ngàn người khác trong vai trò bảo vệ đã đột nhập vào quảng trường Thiên An Môn, bắt đầu biểu tình ngồi và tuyệt thực. Kể từ đó, sinh viên đã chiếm quảng trường cho đến ngày bị đàn áp vào rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989. Cuộc tuyệt thực và biểu tình ngồi của 200 sinh viên đã được sự ủng hộ rộng rãi của mọi giới quần chúng, công nhân viên nhà nước và số người xin tuyệt thực gia tăng hàng ngày, tạo một sự chấn động chính trị rất lớn trên toàn quốc. Các hành động của sinh viên hoàn toàn tự phát. Họ có lập ra một ban chỉ huy nhưng không có ai là lãnh đạo giữa họ, tất cả được thảo luận và quyết định chung, nên người chỉ huy thay đổi thường xuyên vì thế mà rất khó cho ông Triệu Tử Dương liên lạc để xúc tiến các cuộc đối thoại.
Sau 4 ngày tuyệt thực, một số sinh viên đã bị xỉu. Tin tức này làm cho ông Triệu Tử Dương lo âu vì nếu cứ để tiếp tục kéo dài sẽ có người chết. Tối ngày 16 tháng 5, sau khi gặp ông Gorbachev, họ Triệu đã triệu tập cuộc họp của Thường vụ Bộ chính trị để bàn thảo một bản kêu gọi đứng tên 5 người trong Thường vụ bộ chính trị nhằm kêu gọi sinh viên ngưng cuộc tuyệt thực. Trong bản văn có câu: “khâm phục tinh thần yêu nước của sinh viên, toàn thể Trung Ương Đảng và Hội đồng chính phủ ghi nhận những nguyện vọng của họ”. (6) Lý Bằng không đồng ý, còn Dương Thượng Côn thì nêu câu hỏi: Hành động của sinh viên là chống tham nhũng, vậy ta ghi nhận nguyện vọng họ tức là công nhận sự tham nhũng. Triệu Tử Dương cho biết là ông đã phản luận lại sự chống đối nói trên của Lý Bằng rằng nếu không dùng chữ ghi nhận thì mục tiêu bản lên tiếng này là gì, nếu không phải là làm cho sự chống đối của sinh viên dịu xuống. Cuối cùng thì Thường vụ Bộ chính trị đã thông qua bản lên tiếng với tỷ số khít khao.
Tuy nhiên, Triệu Tử Dương nghĩ rằng tình hình vào lúc đã có những diễn tiến phức tạp khó mà ngưng cuộc tuyệt thực khi sinh viên đòi thay đổi tinh thần bài xã luận ngày 26 tháng 4. Vì lý do đó mà Triệu Tử Dương đã đề nghị Thường vụ Bộ chính trị tu chính bài xã luận 26 tháng 4. Lý Bằng đã chống đối và cho rằng ông Đặng Tiểu Bình đã thông qua từng chữ trong bản văn  nên khó mà tu sửa. Triệu Tử Dương phản luận lại rằng bài xã luận ngày 26 tháng 4, dựa theo tinh thần biên bản họp của Thường vụ Bộ chính trị ngày 25 tháng 4 và ông  Đặng Tiểu Bình chỉ bày tỏ sự ủng hộ quyết định của cuộc họp chứ không phải chấp thuận từng chữ của bản văn. Dương Thượng Côn thì cảnh cáo rằng tu sửa bài xã luận ngày 26 tháng 4 sẽ làm tổn thương họ Đặng.  Triệu Tử Dương phản luận rằng việc tu sửa này là để tránh tiếng xấu cho ông Đặng Tiểu Bình và quy trách nhiệm hết cho Thường vụ Bộ chính trị. Nếu cần họ Triệu sẽ thêm trong bản lên tiếng là nhận trách nhiệm về việc đồng ý cho đăng bài xã luận ngày 26 tháng 4. Lý Bằng đột ngột phê phán rằng: “Đó không phải là hành động thích ứng cho chính trị gia”. (7)  Kết quả là Thường vụ Bộ chính trị không đồng ý tu sửa bài xã luận ngày 26 tháng 4.
Triệu Tử Dương cho biết là ông không còn chọn lựa nào khác là phải gặp mặt và trình bày trực tiếp với ông Đặng Tiểu Bình. Ngày 17 tháng 5, họ Triệu điện thoại cho Đặng Tiểu Bình và nuốn xin gặp. Cuộc gặp đã diễn ra vào chiều hôm đó. Tất cả Thường vụ Bộ chính trị đều có mặt cùng với chủ tịch nước Dương Thượng Côn. Chủ tịch Quốc hội Vạn Lý cũng muốn dự cuộc họp nhưng đang ở ngoại quốc. Triệu Tử Dương muốn một mình gặp Đặng Tiểu Bình, nhưng họ Đặng đã tự động mời các nhân vật khác của Thường vụ Bộ chính trị nên chính họ Triệu cảm nhận rằng mọi điều đang có những diễn biến rất xấu. Mở đầu cuộc gặp mặt, Triệu Tử Dương phát biểu đầu tiên, trình bày về tình hình biểu tình, tuyệt thực của sinh viên  và ông cho rằng vấn đề cản trở các cuộc đối thoại với sinh viên hiện nay là nội dung của bài xã luận ngày 26 tháng 4. Nếu tu sửa sẽ không những làm lắng đọng tình hình mà còn thu phục được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng vì cho thấy đảng và chính quyền thực sự muốn thay đổi, còn nếu không thì sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái đối đầu và chắc chắn đưa đến một tình huống xấu khó lường.
Ông Triệu Tử Dương kể lại rằng, trong lúc trình bày ông thấy họ Đặng đã biểu hiện một sự không hài lòng và khó chịu ra mặt và ngay khi phát biểu xong, Lý Bằng và Diệu Ỷ Lâm đã lập tức đứng dậy tấn công tới tấp Triệu Tử Dương. Cả hai đã tố Triệu Tử Dương là làm cho tình hình biểu tình của sinh viên leo thang từ bài phát biểu tại Hội Nghị Ngân hàng Á châu hôm mồng 4 tháng 5. Ông Triệu Tử Dương cho biết là khá ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe sự phê phán về bài phát biểu của ông tại Hội nghị của Ngân hàng Á Châu mà trước đó không hề có, dù ông đã nộp bài này cho Thường vụ Bộ chính trị để xem trước khi họ Triệu đi Bắc Hàn. Nhưng sau đó ông Triệu Tử Dương đã nghiệm rằng thủ thuật đó đã được sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình. Sau đó, ông Hồ Kính Lập thì cho là bài xã luận có thể tu sửa được còn Kiều Thạch thì nói kiểu nước đôi. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình là người quyết định sau cùng. Họ Đặng cho rằng với tình thế này phải mang quân đội vào Bắc Kinh và ra lệnh thiết quân luật. Ngay lúc đó, Đặng Tiểu Bình còn chỉ thị cho Lý Bằng, Diệu Ỷ Lâm và Dương Thượng Côn thành lập một Ủy ban thi hành lệnh thiết quân luật.
Ông Triệu Tử Dương cho biết là ngay sau cuộc họp với quyết định của Đặng Tiểu Bình nói trên đã làm cho ông rất khó chịu. Ông đã tự nhủ không muốn mình - trong trách vụ Tổng bí thư – huy động quân đội đàn áp sinh viên. Trên  đường về lại nhà, ông đã gọi cho Bào Đồng soạn cho ông lá thư từ nhiệm Tổng Bí Thư để gửi đến Thường vụ Bộ chính trị.  Ngay sau buổi tối họp Thường vụ Bộ chính trị, ông Triệu Tử Dương từ chối làm chủ tịch Ủy ban thiết quân luật. Khi lá thư từ nhiệm của ông Triệu Tử Dương gửi đến văn phòng Trung ương đảng thì ông Dương Thượng Côn đã liên lạc khẩn với ông Triệu Tử Dương để yêu cầu rút lại lá thư từ nhiệm vì nếu tin này lọt ra ngoài, tình hình sẽ giống như thêm dầu vào lửa. Cuối cùng họ Triệu đã rút lại quyết định từ nhiệm nhưng ông đã xin rời Bộ chính trị ba ngày, từ ngày 19 tháng 5 đến 22 tháng 5, đề cử Lý Bằng là Chủ tịch Thường vụ Bộ chính trị và từ chối hiện diện trong cuộc họp công bố lệnh thiết quân luật vào ngày 20 tháng 5. Kể từ ngày 20 tháng 5 trở đi, ông Triệu Tử Dương coi như bị cô lập, mọi sự chỉ đạo vào lúc này nằm trong tay ông Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và Dương Thượng Côn.
Cuộc đàn áp đã diễn ra vào tối ngày 3 kéo dài đến rạng sáng ngày 4 tháng 6. Ông Triệu Tử Dương đã viết về tối ngày 3 tháng 6 năm 1989 như sau: Khi ngồi sân sau cùng với gia đình, tôi đã nghe nhiều tiếng súng nổ. Một thảm kịch làm cả thế giới sửng sốt đã không tránh được và bây giờ đang diễn ra” (8)

Chương 5: Những Cáo Buộc Tràn Lan
Sau khi ông Triệu Tử Dương từ chối hiện diện trong cuộc họp công bố lệnh thiết quân luật ngày 20 tháng 5, Đặng Tiểu Bình và các cán bộ lão thành đã vô cùng giận dữ. Đặng Tiểu Bình đã gọi Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Lý Bằng, Kiều Thạch và Diệu Ỷ Lâm đến họp khẩn cấp tại nhà họ Đặng. Dĩ nhiên họ Đặng không mời Triệu Tử Dương và Hồ Kính Lập. Trong buổi họp này, Vương Chấn đã tố Triệu Tử Dương là phản động. Lý Tiên Niệm thì tố là họ Triệu thành lập bộ chỉ huy số hai. (9) Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình quyết định cách chức Tổng bí thư của Triệu Tử Dương nhưng chưa công bố trước công luận sau khi hoàn thành một số thủ tục. Sau đó, Lý Bằng, Dương Thưọng Côn, Diệu Ỷ Lâm đã tổ chức nhiều cuộc họp các ban ngành để công bố ‘tội’ của Triệu Tử Dương. Họ còn chuẩn bị soạn thảo một số tài liệu để chuẩn bị thông báo về những tội của họ Triệu lên Trung Ương Đảng. Theo ông Triệu Tử Dương thì mọi cuộc họp và việc làm nói trên của Lý Bằng hay Đặng Tiểu Bình đều hoàn toàn sai nguyên tắc nhưng lúc đó thì ông Triệu Tử Dương đang từng bước bị cô lập và không còn có thể triệu tập các buổi họp.
Ông Triệu Tử Dương kể rằng, ông yêu cầu thư ký nối cho ông nói chuyện với Dương Thượng Côn, mục đích là để hỏi họ Dương là ông đã có thể rời khỏi vị trí Tổng bí thư chưa, đồng thời giải thích lý do vì sao đề cập vị trí của ông Đặng Tiểu Bình ở trong đảng với ông Gorbachev.  Đến ngày 2 tháng 6, hai cán bộ gồm Wang Renzhong, phó chủ tịch hội nghị hiệp thương chính trị và Ding Guan'gen, Thứ trưởng bộ kế hoạch đến nhà ông Triệu Tử Dương trả lời về yêu cầu của ông muốn nói chuyện với Dương Thượng Côn. Cả hai cho biết là Trung Ương Đảng sẽ triệu tập Bộ chính trị và Trung ương đảng để bàn thảo về trường hợp của ông và yêu cầu ông chuẩn bị phần tự phê. Ông Triệu Tử Dương đã đề cập về quyền hạn của tổ chức Trung ương đảng khi hai trong 5 thành viên Thường vụ bộ chính trị bị đẩy ra ngoài. Ai sẽ là người chuẩn bị họp" Wang Renzhong cho biết là không có tái bầu lại Thường vụ Bộ chính trị cũng như không có bất cứ cuộc họp nào nữa của Thường vụ Bộ chính trị.
Điều mà ông Triệu Tử Dương phản đối mạnh mẽ vào lúc đó là người thư ký của ông, ông Bào Đồng, đã bị Ủy ban tổ chức trung ương đảng gọi lên nói chuyện nhưng không bao giờ trở về nhà từ ngày 28 tháng 5, đồng thời đã có người đến khám xét chỗ làm việc của ông Bào Đồng. Ông Triệu Tử Dương đã cho thư ký gọi điện thoại đến ông Tống Bình, Trưởng ban tổ chức trung ương đảng để phản đối.  Ngày 17 tháng 6, hai ông Wang Renzhong va Ding Guan'gen đến nhà ông Triệu Tử Dương cho biết là ngày 19 tháng 6 sẽ có cuộc họp Bộ chính trị bàn về vấn đề của ông và yêu cầu họ Triệu phải có thái độ “thành khẩn” và  giữ im lặng nếu có những chữ nào quá mạnh của các cán bộ lão thành. Ngoài ra họ cho ông Triệu Tử Dương chọn lựa: một là phát biểu hai là im lặng. Ông Triệu Tử Dương chọn phát biểu. Wang Ranzhong tiết lộ rằng họ đã quyết định giữ tư cách ủy viên trung ương đảng cho họ Triệu và tư cách ủy viên Bộ chính trị cho Hồ Kính Lập, cũng như cho biết ông Bào Đồng đang bị theo dõi và quản thúc tại gia.
Chương 6: Chiến Dịch Chống Triệu Tử Dương.
Bộ Chính Trị họp liên tục từ ngày 19 đến 21 tháng 6. Đầu tiên, Lý Bằng , đại diện cho 4 thành viên trong Thường trực Bộ chính trị đã lên tố cáo những lỗi lầm của Triệu Tử Dương như làm phân hóa đảng, ủng hộ bạo loạn. Lý Bằng đề nghị cách chức tất cả những vị trí mà ông Triệu Tử Dương đang nắm giữ: Tổng bí thư, Bộ chính trị, Thường vụ Bộ chính trị.  Sau đó, những người tham dự đã lên phát biểu và dẫn giải những điều phê phán ông Triệu Tử Dương. Theo họ Triệu thì Lý Tiên Niệm là người đã tấn công vào cá nhân ông một cách điên cuồng. Khi bắt đầu bước vào cuộc phê bình, Đặng Tiểu Bình vắng mặt. Ngay cả Trần Vân cũng vắng mặt nhưng để lại lời phát biểu bằng giấy với hai điều: 1/Tố cáo ông Triệu Tử Dương đã đánh mất sự kỳ vọng của đảng; 2/Ủng hộ quyết định kỷ luật họ Triệu. Sau nửa ngày phê bình, Diệu Ỷ Lâm đóng vai trò chủ tịch của Hội nghị, không nhắc gì đến việc phát biểu của ông Triệu Tử Dương mặc dù trước đó, ông Triệu Tử Dương đã yêu cầu Bộ chính trị cho ông phát biểu và đã được chấp thuận. Khi gần hết giờ, Diệu Ỷ Lâm nhìn xuống đồng hồ rồi nói với Hội nghị rằng đã đi lố giờ, chỉ còn 10 phút để cho Triệu Tử Dương phát biểu.
Ông Triệu Tử Dương cho biết là rất giận và ông đã nói với hội nghị rằng sau hơn 2 ngày phê phán mà lại cho ông quá ít thời giờ làm sao trình bày. Không chờ Diệu Ỷ Lâm cho phép, ông Triệu Tử Dương bắt đầu đọc bài phát biểu của ông đã soạn sẵn và sau khi đọc xong, ông nhìn lại đồng hồ thì biết là bài phát biểu của mình dài khoảng 20 phút. Sau khi ông Triệu Tử Dương đọc xong, Diệu Ỷ Lâm đột ngột tuyên bố ngưng cuộc họp. Ông Triệu Tử Dương rời phòng họp một mình, còn tất cả ở lại họp tiếp để bàn về số phận của họ Triệu sau khi nghe bài phát biểu của ông. Hội nghị nhóm họp trở lại ngày hôm sau. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành. Theo đề nghị của Lý Bằng và nhiều người khác thì sẽ chỉ giữ lại vị trí ủy viên Trung ương đảng cho ông Triệu Tử Dương, nhưng khi công bố bản nghị quyết của Bộ chính trị thì Hội nghị đã giải nhiệm mọi trách vụ  của ông. Theo ông Triệu Tử Dương thì sở dĩ Bộ chính trị giải nhiệm mọi trách vụ của ông vì thái độ và bài phát biểu của ông đã làm họ không hài lòng.
Hội nghị Trung ương đảng triệu tập ngay sau khi hội nghị Bộ chính trị bế mạc, diễn ra trong hai ngày 24 và 25 tháng 6 năm 1989.  Tại hội nghị này, Trung ương đảng biểu quyết thông qua nghị quyết cách chức ông Triệu Tử Dương. Theo ông Triệu Tử Dương thì mọi diễn tiến không khác gì cách làm của cuộc cách mạng văn hóa trước đây: Dựng chuyện, đổi trắng thành đen, tấn công cá nhân và trấn áp, nằm trong sự sắp xếp của ông Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng.  Theo điều lệ đảng, việc cách chức một cán bộ trong Trung ương phải có trên 2/3 phiếu đồng ý. Vì lo sợ không đạt tỷ số nói trên nên thay vì cho bỏ phiếu kín, Hội nghị Trung ương đã buộc mọi ủy viên bỏ phiếu bằng cách giơ tay biểu quyết công khai. Dưới không khí trấn áp như vậy, không một ủy viên nào dám bỏ phiếu theo nguyện vọng của mình mà phải hùa theo đám đông. Vì thế mà kết quả của trung ương đảng đã trở thành ‘nhất trí” một trăm phần trăm chống lại Triệu Tử Dương.
Chương 7: Cuộc Trao Đổi Của Triệu Tử Dương Với Gorbachev
Họ Đặng không hài lòng về bài nói chuyện của ông Triệu Tử Dương tại Hội nghị Ngân hàng Á châu vào ngày 4 tháng 5. Nhưng điều mà ông Triệu Tử Dương lo ngại có thể làm tổn thương họ Đặng lại chính là cuộc nói chuyện giữa ông với ông Gorbachev vào ngày 16 tháng 5.  Trong cuộc nói chuyện với nhà vật lý  được giải Nobel  Lý Trương Đào, ông Đặng Tiểu Bình đã nói rằng ông Triệu Tử Dương đã đẩy ông ra phía trước trong cuộc nổi loạn của sinh viên. Ông Triệu Tử Dương cho biết là trong cuộc nói chuyện với ông Gorbachev, ông đã đề cập về vai trò của ông Đặng Tiểu Bình trong đảng và trong nước, với ý hướng là đề cao họ Đặng nhưng ông đã bị hiểu lầm. Mọi người cho là ông đã trốn trách nhiệm và đẩy họ Đặng phải chịu những búa rìu của dư luận. Triệu Tử Dương thú  nhận là  đã không dự kiến trước điều này.
Theo ông Triệu Tử  Dương thì  ngay từ sau Hội nghị trung ương khóa 13 từ năm 1987, mỗi lần gặp các lãnh đạo quốc tế, ông đều cho họ biết là mặc dù ông Đặng Tiểu Bình không còn nằm trong Thường vụ Bộ chính trị, nhưng họ Đặng có vai trò quan trọng trong việc lấy những quyết định lớn. Vào tháng 4 nhân dịp viếng thăm Bắc Hàn, ông cũng đã cho biết như vậy khi gặp Kim Chính Nhật. Tuy nhiên, theo ông Triệu Tử Dương thì lý do mà ông Đặng Tiểu Bình khó chịu vì từ ngày 25 tháng 4 trở đi, sau khi Lý  Bằng và những người liên hệ cho phổ biến các ý kiến của họ Đặng đã làm dấy lên làn sóng phản cảm đối với ông ta trong dư luận. Nhiều người đã cho rằng tại sao Thường vụ Bộ chính trị lại đi báo cáo cho một người không ở trong Thường vụ, không đúng với nguyên lý của đảng. Hai ngày trước khi ông Gorbachev đến, Triệu Tử Dương đã có cuộc đối thoại với đại diện công nhân và một số cán bộ. Một số công nhân đã nêu thắc mắc nói trên và được ông Triệu Tử Dương giải thích rằng đó là nghị quyết của Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương đảng khóa 13 quyết định là phải tham khảo với ông Đặng Tiểu Bình về các vấn đề quan trọng của đảng, vì tài năng, kinh nghiệm của ông vượt trội hơn các ủy viên trong ban Thường vụ Bộ chính trị.
Do tinh thần đó mà trong cuộc gặp gỡ ông Gorbachev, ông Triệu Tử Dương đã cho biết là kể từ Hội nghị Trung ương đảng khóa 13, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều phải thông báo các sự kiện và lắng nghe những quan điểm của họ Đặng liên quan đến các vấn đề to lớn. Ông Đặng Tiểu Bình luôn luôn ủng hộ và cho những quyết định đúng lúc, và vì vậy Trung quốc luôn cần sự dìu dắt của Đặng Tiểu Bình. Ngoài ra, còn một lý do khác mà ông Triệu Tử Dương đã nói những điều trên với ông Gorbachev, đó là vì chuyến viếng thăm của ông Gorbachev  là cuộc họp thương định giữa Trung Quốc và Liên Xô. Ông Gorbachev là đại diện của Liên Xô vào lúc đó, và người đại diện Trung Quốc cân xứng có tầm vóc quốc tế lẫn quốc nội chính là Đặng Tiểu Bình. Mặc dù ông Gorbachev vừa là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Xô Viết, vừa là Tổng bí Thư đảng Cộng sản Liên Xô trong khi ông Đặng Tiểu Bình vừa không phải là chủ tịch nước, vừa không phải là Tổng bí thư đảng mà chỉ là Chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương, nhưng ông Triệu Tử Dương cho biết thành ý của ông là muốn tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh giữa Liên Xô và Trung Quốc chính là cuộc gặp gỡ giữa ông Gorbachev và Đặng Tiểu Bình, chứ không phải giữa ông Gorbachev với bất cứ ai. (10)
Với những suy nghĩ nói trên và sau khi hai ông Gorbachev và Đặng Tiểu Bình gặp nhau, ông Triệu Tử Dương mới gặp ông Gorbachev và nói rằng mối quan hệ giữa hai đảng tùy thuộc vào cuộc gặp gỡ giữa Gorbachev với họ Đặng. Ông Triệu Tử Dương nhấn mạnh rằng ông chỉ làm theo những quyết định của Hội nghị thứ nhất của Trung Ương đảng khóa 13 mà thôi.
(Hết Phần 1, còn Phần 2)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.