Hôm nay,  

Người Bên Kia Hàng Rào

10/12/201100:00:00(Xem: 78627)

Người Bên Kia Hàng Rào

Tác giả: Nguyễn Phúc Sông Hương

Bài số 3419-12-2879vb7120311

Tác giả là một thi sĩ rất được quí trọng, đồng thời cũng là một tiểu đoàn trưởng tác chiến trên mặt trận Xuân Lộc cho giờ cuối cùng. Sau đó là trại tù rồi H.O. Hiện ông và gia đình an cư tại Sacramento. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên, theo tác giả, là viết để cảm ơn hai người đàn bà hàng xóm nhân dịp lễ Tạ Ơn.

***

Loretta, một trong hai cô chủ nhà hàng xóm người da trắng, báo cho vợ chồng chúng tôi biết là hai cô sẽ tu sửa lại cái hàng rào chung trong vài tuần tới. Nhân việc tiếp xúc này, chúng tôi mới biết được rằng Loretta và Helen rời bỏ Ohio, qua Cali sinh sống vì bị cha mẹ, anh chị em chống đối sự quan hệ của hai người. Từ “quan hệ” mà Loretta nói, chúng tôi cũng đã suy đoán được từ ba năm trước, một vài tháng sau khi hai người đến mua nhà bên cạnh: Họ là cặp đồng tính luyến ái.

Hai người xấp xỉ tuổi dưới bốn mươi, gương mặt và vóc dáng dể nhìn,dể có cảm tình. Loretta trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát thường ngày khoác chiếc áo trắng dành cho bác sĩ, lái xe đi làm. Helen dáng vẻ thanh tú, luôn ở trong nhà khép kín cửa giống như một người đang dưỡng bênh.

Nhà ở cạnh, sân trước đậu xe cũng gần nên chúng tôi thường thấy nhau hàng ngày. Lúc nào cũng vậy cô Loretta mỉm cười chào hỏi trước:” Mr and mrs Nguyên” rất lịch sự.Qua ánh mắt và nụ cười của cô, tôi cảm thấy ngoài tính chất xã giao như hầu hết người khác, tiếng chào của cô còn mang theo cảm tình của người hàng xóm lân cận. Cô Helen ít khi ra ngoài, khi thấy chúng tôi, cô có vẻ ngại ngùng, đưa tay vẩy chào rồi bước nhanh vào nhà.

Làm lại cái hàng rào chung thì chủ nhà hai bên phải đóng góp tiền bạc nhưng Loretta từ chối khi chúng tôi hỏi đến. Cô nói rằng cô có khả năng lo tất cả. Cô cũng cho biết là cô và Helen sẽ không thuê thợ mà tự làm lấy nên chẳng tốn kém nhiều. Và để chúng tôi yên tâm, Loretta nói rằng tuy Helen và cô chưa từng nhưng tin chắc là sẽ làm được vì việc sửa lại cái hàng rào rất đơn giản, dể làm. Cô mong chúng tôi đừng nóng lòng nếu thời gian hoàn thành có thể chậm vì.công việc chỉ được tiến hành trong hai ngày nghĩ cuối tuần.

Nghe Loretta nói tóm lược về cách làm của cô và Helen, vợ tôi khuyên hai người” phải cẩn trọng, giữ sức khỏe, đừng để bệnh mà khổ cho cả hai”. Tôi thì nịnh đầm một câu:” đóng đinh, coi chừng búa đánh dập bốn bàn tay đẹp, không có người khóc thế” khiến Loretta phì cười, xòe bàn tay ra nhìn rồi lắc đầu nói: “ To quá, bàn tay Helen mới đúng với lời khen của ông Nguyên”.

Vài ngày sau, Loretta đi mua sắm dụng cụ và vật liệu. Mỗi buổi chiều sau khi tan sở, chiếc xe nhỏ cô lái đi làm chở về một ít. Khi thì cưa máy, máy bắn đinh,búa,xẻn để đào đất, khi thì những bao xi măng nhỏ đã pha trộn sẵn, những cây gỗ dài để làm tru mới. Loretta cởi chiếc áo trắng bác sĩ rồi tự mình khiêng vác tất cả dụng cụ, vật liệu vào sân sau.

Sáng thứ bảy Loretta và Helen, chân đi giày bốt an toàn, tay mang găng, đầu đội nón che nắng bắt đầu công việc hạ hàng rào cũ, lựa chọn, sắp xếp riêng các thanh gổ còn dùng đuợc, di chuyển các thứ gổ phế thải ra sân trước để chở đến khu đổ rác. Đây là phần việc nặng nề nhất mà Loretta làm gần như hầu hết..

Buổi chiều khi thấy hai người nghĩ việc, Hoàng Thanh, vợ tôi chiên chả giò và thịt gà đem cho. Loretta và Helen rất vui. Loretta thành thật nói: “Ở bên cạnh nhà bà, thỉnh thoảng ngửi mùi thơm thức ăn Việt Nam bà nấu, Helen và tôi cứ hít hít hoài”. Tôi nghe người ta nói đến “Fo” rất ngon của Việt Nam. Hoàng Thanh gật đầu cười :” Món đó là phở, có dịp tôi sẽ nấu mời hai cô.

Sáng sớm ngày thứ bảy tuần kế, hai người dựng một mái che bằng vải nhựa để làm nơi kéo cưa vì hôm đó thời tiết nóng trên trăm độ F. Suốt cả ngày, Loretta căng thước giây, đo đạc, ngắm nghía, đào lổ dựng cột cho ngay hàng.

Từ trong cửa sổ nhà mình nhìn sang, tôi thấy kẻ đào, người xúc đất, đóng nẹp dựng cột, đổ xi măng đúc chân cột từng cái một rất thứ tự, vững chắc chẳng khác gì những người thợ chuyên môn làm việc theo một tiến trinh định trước.

Vợ chồng chúng tôi cảm thấy vui vì bên cạnh tiếng cưa gỗ, tiếng đóng đinh còn có tiếng cười vui, đùa của hai người. Dường như họ rất thích thú khi làm công việc này. Thỉnh thoảng vọng sang:” Mệt rồi phải không, thôi nghĩ đi Helen”, ”Loretta, uống nước cam lạnh nh锅

Buổi chiều khi tôi xuống tưới cây vườn nhà thì thấy những cột trụ đã đươc dựng thẳng hàng với các nẹp giữ và xi măng đúc đang dần dần khô cứng dưới chân.

Loretta mặt ửng đỏ dưới những tia nắng chiều còn sót lại, đứng dựa lưng vào cánh cửa hông, tay cầm ly nước cam. Chiếc áo trên người ướt đẩm mồ hôi dinh sát vào da thịt làm cái nịt vú đàn bà nhô lên cao. Tôi cảm thấy hơi lung túng. Dường như Loretta cũng vậy nên đưa bàn tay nhấc manh áo ra khỏi làn da ửng hồng của mình.

Loretta chưa hết e thẹn trong giọng nói:

-Mr. Nguyên, ngày mai xi măng khô, chân cột vững, chúng tôi bắt đầu đóng các thanh ngang rồi lên vách. Hy vọng tuần tới sẽ xong công việc

Tôi gật đầu khen:

-Đây là lần đầu tôi thấy các trụ hàng rào không những là loại gỗ tốt mà còn được đúc xi măng dưới chân. Hai cô làm việc cẩn thận, bảo đảm quá.

Loretta nhìn tôi cám ơn và nói với giọng thân mật:

-Mình làm việc nhà mình nên phải cố gắng tìm cách giữ cho hàng rào được lâu bền. Sau này nếu chúng tôi không còn ở đây, hàng rào hư, ông bà cũng dể tu bổ lại.

-Cám ơn hai cô. Tôi mong như thế nhưng chắc khó được. Mười năm nữa, hàng rào chưa hư, chúng tôi đã không còn trên thế gian này.

Loretta lắc đầu, nói với giọng tin tưởng:

-Trông ông bà còn khỏe lắm, chắc chắn sẽ có nhiều dịp tu bổ cái hàng rào này.

Mùi thơm của xúp bay ra từ cánh cửa hông đang khép hờ. Tôi hít hít và khen:” Thức ăn thơm quá”.

Loretta với vẻ hãnh diện, nói:

-Helen vẫn thường nấu xúp rất ngon. Cô ấy cũng có khiếu nấu ăn.

Helen từ trong nhà gọi ra: “Loretta, I need you”.

Loretta xin lỗi tôi rồi vội bước vào nhà. Chắc Helen đã nấu xong bữa ăn tối cho hai người.

Tôi quay về nhà mình, tai còn nghe văng vẳng tiếng nói “Take a bath, baby”, nhưng tôi thật không nhận ra tiếng của ai giục ai đi tắm.

Hôm sau, khoảng gần trưa, chân các trụ gỗ đúc xi măng đã khô, Loretta bắt đầu đóng các thanh ngang hàng rào hoàn toàn bằng loại gỗ tốt mới mua.

Thấy cô làm một mình, tưởng Helen bị bệnh nên tôi hỏi cần người phụ không thì Loretta mỉm cười nói rằng cô có thể làm công việc này một mình.

Helen từ cửa hông nhà bước ra, chào tôi rồi trao cho Loretta ly nước cam lạnh. Cô cũng hỏi tôi có muốn dùng nước gì không?Tôi cám ơn.

Thoang thoảng hương thơm nước hoa đàn bà từ mái tóc cắt ngắn và nụ cười đẹp e thẹn của Helen làm cho không gian mùa hạ như đang dịu mát dần.

Ngày thứ hai Loretta lái xe đi làm việc. Helen ra sân lựa được vài chục thanh dọc trong đám gỗ cũ rồi đem vào lều vải ngồi cưa. Hôm sau, vợ tôi đem cho gà chiên, Helen hỏi:

-Thưa bà, có khi nào bà làm việc gì cho ông mà bị ông giận không?

Vợ tôi mỉm cười trả lời:

-Có chứ,. một là tôi làm không đúng ý ông, hai là vì ông không muốn tôi làm công việc nặng nhọc đó.

Nghe vậy, Helen cười rất tươi và nói rằng:”Loretta và tôi chưa bao giờ giận nhau”.

Tuần kế tiếp, chúng tôi theo con, cháu đi chơi xa, mãi đến tối Chúa nhật mới về đến nhà. Sáng sớm hôm sau tôi ra xem cái hàng rào ngay với đầy ngạc nhiên và khâm phục. Một cái hàng rào thật vững chắc và đẹp. Ngoài hai đoạn bằng gỗ mới, tám đọạn còn lại đươc ghép hoàn toàn bằng các thanh chắn cũ được cắt xén rất khéo.Tất cả được giữ cứng bằng đinh vít chứ không phải bằng đinh đóng như hầu hết các hàng rào khác..

Nghe vợ chồng tôi khen, Loretta nói với giọng rất lịch sự và chân thật như bao lần:

- Thưa ông bà Nguyên, thấy ông bà vui, chúng tôi rất mừng.

Tôi mỉm cười, nói:

-Từ đây tôi không còn phải đóng cọc, buộc giây hàng rào khi mùa đông đến phải không hai cô?

Helen mỉm cười, đứng yên, còn Loretta bước đến cầm bàn tay tôi, nhỏ nhẹ:

-Mr. Nguyên, thật tình chúng tôi rất áy náy mỗi lần thấy ông ra buộc giây giữ hàng rào. Helen nhiều lần nói” Look at him, he Is too old to do that”. Tôi biết Helen nhắc tôi phải có trách nhiệm về cái hàng rào càng ngày càng xấu., Những lúc đó lòng tôi rất xốn xang. Tôi thương ông Nguyên và nhớ cha tôi bên Ohio, biết đâu cha tôi cũng làm công việc như ông Nguyên vì cái hàng rào nhà cha mẹ tôi cũng đã quá cũ rồi.

Helen cúi mặt như muốn che dấu sự xúc động bởi lời lẻ của Loretta. Có lẻ cô cũng đang nhớ đến cha mẹ mình.

Khoảng mười giờ sáng Chúa nhật hai tuần lễ sau chúng tôi đang đi bộ trên đường trước nhà thì nghe tiếng hú của xe cứu thương đang chạy vào khu vực chúng tôi ở rồi dừng lại trước nhà Loretta.Tôi nghĩ thầm chắc có lẻ là Helen bệnh, nhưng không biết bệnh gì mà phải cần xe cứu thương.

Chúng tôi đứng chờ bên sân nhà mình. Khoảng vài phút sau thì xe chở người bệnh được hai nhân viên đẩy ra ngoài. Helen đi bên cạnh, gương mặt đầy lo âu, buồn bã. Thật không ngờ người được chở đi cấp cứu lại là Loretta, một người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, xốc vác.

Loretta nằm trên xe đẩy, hai mắt nhin Helen đang đi bên cạnh. Helen cầm bàn tay Loretta. Tia nắng ban mai làm long lanh hai hạt lệ đang ứa ra từ đôi mắt Loretta. Nhờ hai sân nhà gần nhau nên chúng tôi nghe được tiếng nói nhỏ nhẹ của Loretta: “ You are alone, take care yourself” Helen không nói mà cầm chặt tay Loretta hơn khi Loretta được đưa lên xe cứu thương. Một cặp vợ chồng bình thường chắc cũng chỉ yêu và lo cho nhau đến thế mà thôi.

Helen lái theo xe cấp cứu, đến trưa thì trở về nhà. Helen cho biết Loretta bị huyết áp khá cao, nhức đầu, khó thở nên phải gọi xe cấp cứu. Hy vọng chiều hoặc ngày mai sẽ trở về nhà.

Buổi chiều Helen lái xe lên bệnh viện để đón Loretta về nhưng đến gần mười giờ đêm Helen về nhà một mình. Ngọn đèn đường soi nghiêng bóng Helen khi cô lầm lủi bước vào nhà.

Đêm đó chúng tôi cũng bật đèn trước nhà sáng như bên nhà Helen. Vợ tôi, thỉnh thoảng vén bức màn cửa sổ nhìn ra ngoài mỗi lần nghe tiếng động của xe hơi. Chúng tôi mong có ai đến, Biết đâu sẽ là hai bà mẹ của Loretta và Helen như họ đã đến đây thăm con một lần gần ba năm trước. Và có thể có cả người cha già, anh chị em, bạn bè... Thời gian xa cách đã quá dài để họ suy nghĩ, biến giận thành thương.

Trưa ngày hôm sau Helen đón Loretta về nhà. Lúc đó các đứa cháu của chúng tôi đang chơi bóng ở sân sau, bất ngờ trái bóng vọt qua khỏi hàng rào bay đúng vào người Helen khi cô vừa mở cánh cửa hông.

Loretta từ trong nhà bước ra, thấy Helen đang phủi đất dính trên ngực áo, phá lên cười và nói “Oh, baby!”. Helen cũng cười. Hai người cười rất thích thú như chưa từng được cười. Bầy con nít bên này ghé mắt qua kẻ hở hàng rào nhìn sang, thấy hai bà hàng xóm vịn vai nhau cười mới hết sợ. Các cháu Trúc Vy, Giáng My, Nguyên Khang, Nguyên Bảo đã qua nhận lại trái bóng từ tay Helen. Khi cháu Trúc Vy cám ơn thì Helen nói “I would like you to say thank you in Vietnamese language”. Trúc Vy vâng lời, nói “cám ơn”. Loretta và Helen cùng mỉm cười đáp lại:“cám ơn”..

Loretta và Helen vào nhà rồi nhưng cánh cửa hông không khép kín lại hoàn toàn như thường lệ. Chắc hai người muốn để cho tiếng cười đùa của trẻ thơ từ bên kia cái hàng rào lọt vào làm ấm áp thêm không khí trong nhà mình.

Năm nay, để tỏ lòng biết ơn Loretta và Helen,chúng tôi muốn mời hai người qua dùng bữa cơm Tạ Ơn với gia đình con cháu chúng tôi, nhưng suy nghĩ lại thì tôi không dám. Biết đâu tình cảm của mình vô tình khơi động đến lòng nhớ thương gia đình của hai người.Thật vậy, Loretta và Helen đã quen, hai chiếc xe nhỏ trước sân gara nhà họ cũng đã quen. Tất cả đều lặng lẻ, ấm lạnh nằm bên nhau giữa những rộn ràng của bao mùa lễ…

Nguyễn Phúc Sông Hương

Ý kiến bạn đọc
20/07/201820:00:48
Khách
tại sao có người hàng xóm tốt và đáng yêu như 2 cô này mà lễ tạ ơn kg dám mời họ qua nhĩ , cứ mời đi , đừng dựa theo cãm tính cũa mình mà đoán là người ta sẽ từ chối , khi nào chính họ từ chối thì mình mới xác đình đươc ..... có hàng xóm như 2 cô này chắc tui mừng lắm , cũng sẻ giúp cho 2 cô hết lòng , còn hơn hàng xóm xung quanh nha tui toàn là đặt chuyện với tò mò , tọc mạch ...... chán
13/12/201121:00:06
Khách
Câu chuyện thật tình nghĩa & chân thật làm sao ! Trong khung cảnh láng giềng chỉ là láng giềng ở đây, tình nghĩa này quá quý. Xin cảm ơn tác giả Nguyễn Phúc Sông Hương !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,339,164
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.