Hôm nay,  

Sách Mới Phát Hành Lần Đầu Tại Hải Ngoại “Giải Khăn Sô Cho Huế”

10/03/201100:00:00(Xem: 5891)

hks_20080220_1Sách mới “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca do Việt Báo xuất bản đã chính thức phát hành từ Thứ Ba 19-2-2008 và hiện có tại các nhà sách. Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn tác giả Nhã Ca của đài Á Châu Tự Do, do Mặc Lâm thực hiện.

RFA phỏng vấn Nhã Ca & Giải Khăn Sô Cho Huế

- Thưa chị Nhã Ca, Tết Mậu Tý 2008 là đúng 40 năm biến cố Huế Tết Mậu Thân. Được biết nhân dịp này, lần đầu tiên tại hải ngoại, cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế đã được tác giả cho tái bản. Xin chị cho biết về lần tái bản này, cuốn sách mới có gì khác biệt với sách cũ.

- Cám ơn anh Mặc Lâm và đài RFA đã có lòng nhớ Huế Tết Mậu Thân và hỏi thăm.

Sách mới “Giải Khăn Sô Cho Huế” ấn bản đầu tiên tại hải ngoại do Việt Báo ấn hành, sách dầy 640 trang, khổ lớn, bìa cứng, phát hành trong tháng 2-2008.

Như anh biết, sách cũ “Giải Khăn Sô Cho Huế” in lần đầu tại Việt Nam cuối năm 1969, là một... bút ký chạy loạn. Sách mới, ngoài bút ký cũ, còn in thêm đầy đủ tất cả chữ nghĩa Nhã Ca đã viết về biến cố Tết Mậu Thân tại Huế, gồm một truyện dài, thêm nhiều bút ký và truyện ngắn.

2- Xin chị cho biết thêm chi tiết. Trong lần tái bản này, có thay đổi gì đáng phải bàn tới trong tác phẩm, hoặc có điều gì tác giả muốn gửi gấm"

- Thưa anh, trong lời tựa nhỏ cho bản in lần đầu của “Giải Khăn Sô Cho Huế” tôi có viết là “Nhân ngày giỗ thứ hai của Huế Tết Mậu Thân sắp tới, xin coi cuốn sách này như một bó nhang đèn góp giỗ.” Tinh thần ấy không thay đổi.

Về chi tiết cuốn sách mới vừa được in lại, tôi có kể thêm chút chút trong ‘tựa nhỏ’ là:

“Tôi tin vào tương lai của Huế và tương lai Việt Nam, như tin vào những tình ca về lòng yêu thương và sự ăn ở tử tế giữa con người với nhau. Với lòng tin ấy, sau “Giải Khăn Sô Cho Huế” còn có thêm hai cuốn sách nhỏ viết về Tết Mậu Thân: “Tình Ca Cho Huế Đổ Nát” là tập truyện viết về tình yêu và lòng thành của Huế trong đau thương, tang tóc. Tiếp đó là “Tình Ca Trong Lửa Đỏ,” một truyện dài về tình yêu của cô gái Huế dành cho một chàng lính Bắc tử tế.

“Từ sau 1975, sách vở miền Nam bị đốt, và nhà văn đi tù. Cho tới nay, Huế không còn được phép chính thức có một ngày giỗ chung cùng hướng về những người chết tức tưởi hồi Tết Mậu Thân.

Vẫn với lòng tin xưa, đây là lần đầu cả ba cuốn sách về Huế Mậu Thân được gom lại làm một. Và sách “Giải Khăn Sô Cho Huế” thêm một lần in lại, như một bó nhang đèn góp giỗ. Góp cho ngày giỗ thứ 40 thầm lặng trong lòng Huế. Và góp cho một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hoá, lịch sử.”

Thưa anh, đó là lời gửi gấm của người ‘góp giỗ’ khi ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ được in lại.

3- Thưa chị, khoảng cách thời gian của ‘chữ nghĩa Nhã Ca’ viết về biến cố Tết Mậu Thân tại Huế đến nay đã là 40 năm. Xin chị nhìn lại vài thời điểm chính. Báo New York Times năm 1973 trong một bài về Nhã Ca có kể là ‘khi Giải Khăn Sô Cho Huế khởi sự đăng tải trên một nhật báo tại Saigon, đặc công Việt Cộng đã gửi thư đe dọa, buộc bà ta ngưng viết. Bà đã không nhượng bộ.’ Sự việc đã diễn tiến ra sao từ đó về sau"

Báo New York Times 1973 viết về Nhã Ca

- Thưa anh, đúng như báo New York Times đã viết. Chắc anh còn nhớ thành tích của cái gọi là ‘biệt động thành’ của cộng sản tại Saigon. Họ đã bắn chết nhà báo Từ Chung khi anh là tổng thư ký nhật báo Chính Luận. Họ đã bắn bể mặt của nhà văn Chu Tử khi anh là chủ nhiệm nhật báo Sống. Và sau đó thì đến phiên tôi nhận thư đe doạ.

Chắc anh cũng nhớ, ngay sau ngày Saigon bị đổi tên đổi đời, có cuốn sách mang tên là ‘Biệt Kích Văn Hoá’ do các học giả, nhà văn cộng sản như Trần Văn Giàu, Lữ Phương, Vũ Hạnh... viết về 10 tác giả miền Nam. Trong sách này Nhã Ca là nữ biệt kích duy nhất, được xếp hạng thứ sáu. Những tác giả miền Nam khác là Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Nhất Hạnh, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến... Và sau đó, dĩ nhiên là ‘nữ biệt kích’ được vinh dự cùng các bạn văn đi tù...

- Vẫn báo New York Times, tháng 2 năm 1988, có đăng bài của nữ phái viên Barbara Crossette thăm Saigon viết là “Tết Mậu Thìn, 20 năm sau biến cố Tết Mậu Thân, Saigon cũ vẫn nhắc nhở đến Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca.. Tác giả sách này đã bị bắt sau khi cộng sản chiếm miền Nam cùng với chồng là thi sĩ Trần DạTừ. Cả hai đã bị nhốt nhiều năm như những tù nhân chính trị. Người chồng thì cho mãi đến nay hình như chỉ mới được thả ra.” Chị có gặp bà Barbara"

- Thưa anh, tôi chưa từng gặp bà Barbara. Thực sự thì vào thời điểm Barbara muốn thăm tôi tại Saigon vào Tết Mậu Thìn, tôi còn đang bận xách đồ đi thăm nuôi ông chồng vẫn còn đang ở tù.

5- Bên cạnh những lời khen thường gặp chị có nhận được những băn khoăn hay nghi ngờ gì về mức khả tín mà độc giả đặt ra đối với tác phẩm" Có nhân vật “thật” nào trong “Giải khăn sô cho Huế” công khai chống đối hay đồng tình với những gì chị trình bày trong tác phẩm hay không" Nếu có chị có thể cho biết phản hồi của chị"

- Cám ơn câu hỏi đặc biệt của anh. Như đã thưa với anh, “Giải Khăn Sô Cho Huế” chỉ là bút ký hoặc truyện ký của một người chạy loạn Tết Mậu Thân tại Huế, kể lại những điều mắt thấy tại nghe. Trong cảnh bom đạn, chết chóc, dù mắt chính mình có thấy vẫn không thể thấy hết mọi phía. Tai nghe là nghe người khác kể lại. Dù tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy, hẳn nhiên cũng không khỏi thiếu sót hoaẳc sai sot. Điều quan trọng là tấm lòng. Chữ nghĩa đã viết là chuyện đã rồi, có sao để vậy. Tôi thật tình mong những thiếu sót sẽ dần được bổ túc, những sai sót sẽ dần được chỉ rõ.

Về “những nhân vật thật”, nêu đích danh chỉ có anh Lê Văn Hảo, thị trưởng Huế Mậu Thân do phía quân giải phóng cử ra. Anh Hảo nay đã tị nạn cộng sản tại Pháp, đã chính thức lên án việc quân giải phóng tàn sát dân Huế hồi Tết Mậu Thân. Nhân vật thứ hai trong sách mang tên Phủ là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng Thư Ký Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế thời Tết Mậu Thân. Đây là chức vụ “phụ trách công việc chính trị” có nghĩa là “xếp” của cả chức thị trưởng. Năm 1997, anh Tường đã đến Paris, lên tiếng trên đài RFI, nói về

-xin trích nguyên văn: “nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được...” Anh cũng đã công khai “gửi lời cám ơn sự khách quan của chị Nhã Ca dành cho tôi” và nói nguyên văn rằng “Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng.” Văn bản lời anh Tường trả lời cuộc phỏng vấn của chị Thụy Khuê đài RFI hiện còn lưu trên internet, ai cũng có thể đọc được. Nhân vật thứ ba trong sách có tên là Đắc, theo lời kể mà tai tôi nghe, liên quan tới cái chết đau thương của người bạn tên là Mậu Tý. Nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, một phụ tá của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, có viết bài phản bác, nói là anh không hề liên quan.

Cả ba nhân vật kể trên, đều đã có lòng đích thân đến gặp tôi trước ngày chúng tôi rời Saigon sang Thụy Điển. Đoạn kể lại những gặp gỡ này trong Hồi Ký Nhã Ca có được trích in trong sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế.

- Cho tới nay, điều gì còn đậm lại rõ nét nhất nơi chị khi nhìn lại tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế”. Xin nhắc câu đã hỏi, là chị có thể nói về sự “phản hồi” của chị, nếu có.

Về điều mà anh gọi là “còn đậm nét nhất” khi nhìn lại “Giải Khăn Sô Cho Huế”, tôi thấy đó là sự oan khiên nối dài chưa biết đến bao giờ. Hàng chục ngàn người chết oan cho tới nay không có được một lời xin lỗi, một ngày tưởng niệm. Cuộc đại tàn sát Tết Mậu Thân, ngày giỗ lớn nhất của Huế, thì được đánh trống thổi kèn như ngày hội chiến thắng. Phần oan khiên riêng của cuốn sách và tác giả thì đủ cảnh tức cười, sách bị những người cộng sản treo để “triển lãm tội ác”, tác giả đi tù. Từ cảnh Huế Mậu Thân trong sách được viết lại thành chuyện phim Đất Khổ, phim quay xong năm 1972 bị cấm chiếu ở Saigon vì tội phản chiến. Bốn mươi năm sau, mới đây thôi, tháng 5 năm 2007, cuốn phim được một hãng Mỹ khai thác làm DVD bán ngay tại Mỹ và dán cho nó cái bìa là... cờ đỏ sao vàng. Chi tiết chuyện oan khiên tức cười này báo Tết Việt Báo năm nay có đề cập.

Về điều anh gọi là “phản hồi”, tôi thấy chỉ có thể nói thế này: Bi hài kịch của thời đại chúng ta là sự ngộ nhận. Nó ở khắp nơi, phe này, phe kia, chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, ông này, bà kia, tác giả, nhân vật... đâu đâu cũng có nó. Như dân tộc của mình, tất cả chúng ta, dù người bị giết hay kẻ giết người, đều chỉ là nạn nhân. Thuốc chữa sự ngộ nhận cho người hay cho chính mình, theo tôi, nên là sự hiểu biết và ăn ở tử tế, với cả người sống lẫn người chết.

(Trích website Đài Á Châu Tự Do)

*

Hãng Mỹ DVD Remis, LLC bỏ cờ đỏ chọn cờ vàng

Tin thêm: Trong sách "Giải Khăn Sô Cho Huế' có phần "phụ lục" trích thuật lại việc phim "Đất Khổ" (cuốn phim đặc biệt về Huế Mậu Thân, dựng theo một phần "Giải Khăn Sô Cho Huế" và do chính tác giả Nhã Ca viết toàn bộ đối thoại) vào tháng 5 năm 2007, được công ty Mỹ DVD Remis, LLC và hãng Remis ra thành DVD bán trong thị trường Mỹ, mang tựa đề kiểu Mỹ "DAT KHO - Land of Sorrows." với bao phim trên nền... cờ đỏ sao vàng. Báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý, trong phần tưởng niệm "40 Năm Huế Tết Mậu Thân" đã tường thuật sự việc. Tác giả Nhã Ca và nhà sản xuất phim Đất Khổ là ông Nguyễn Bá Hùng hiện sống bên Pháp đã phản đối vụ "cắm cờ" oan khiên của hãng Mỹ lên bao bìa phim Đất Khổ. Kết quả, sau khi Việt Báo lên tiếng, công ty Mỹ Remis, LLC đã nhanh chóng bỏ hẳn các bao bì cờ đỏ thay bằng bao bì mới với nền cờ vàng và bản đồ Việt Nam.

Sách mới "Giải Khăn Sô Cho Huế" 640 trang, bìa cứng, ấn phí 28 mỹ kim. Bạn đọc có thể hỏi tại các nhà sách hoặc đặt mua gửi tận nhà, xin liên lạc Việt Báo, điện thoại (714)894-2500.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ ngày quân Nga xâm lược Ukraine vào tháng hai 2022 đến nay, ít nhất 35 nhà báo đã chết tại Ukraine khi đnag làm công việc của mình.
Michelle Obama mang đến cho độc giả một loạt câu chuyện mới mẻ và những suy ngẫm sâu sắc về sự thay đổi, thách thức, sức mạnh, bao gồm cả niềm tin của bà: khi thắp sáng cho người khác. Chúng ta có thể khai sáng sự phong phú và tiềm năng của thế giới xung quanh, khám phá những sự thật sâu sắc hơn và những con đường mới cho sự tiến bộ. Rút ra từ kinh nghiệm của mình với tư cách là người mẹ, con gái, người phối ngẫu, người bạn và Đệ nhất phu nhân, bà ta chia xẻ những thói quen và nguyên tắc mà bà đã phát triển để thích nghi thành công với sự thay đổi và vượt qua những trở ngại khác nhau.
Tiểu thuyết gia người Sri Lanka Shehan Karunatilaka đã giành được Giải thưởng Booker 2022 cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, Bảy Mặt Trăng của Maali Almeida. Giải thưởng này không thể đến vào thời điểm tốt hơn cho Sri Lanka, một quốc gia từng vướng vào bất ổn chính trị và kinh tế, khi nước này phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới, với lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu, và nguồn cung cấp hàng hóa ngoại quốc rất thấp. Và tất nhiên, chính phủ đã bị lật đổ vào tháng Bảy, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn sau các cuộc biểu tình lớn.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Khánh Hà đã từng có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong cộng đồng văn học Hoa Kỳ; từng nhận nhiều giải thưởng; từng có một quyển sách được trao đến hai giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ cách nhau chỉ một tháng—đó là giải truyện ngắn 2020 William Faulkner Literary Competition trong tháng 9, 2020, và tháng 10, 2020 anh lại đoạt tiếp giải The 2020 Orison Anthology Award in Fiction từ tác phẩm The Woman-Child. Những điều hiếm có này đã được người viết trình bày trước đây trong bài Khánh Thúc Hà (Khanh Ha) Ngôi Sao Việt Tỏa Sáng Trên Vòm Trời Văn Học Hoa Kỳ, đăng trên Việt Báo ngày 29/10/2020. Và sau đó thì tuyển tập truyện ngắn A Mother’s Tale and Other Stories của anh cũng được C&R Press 2020 Fiction Award trao giải thưởng và phát hành năm 2021. Sẽ có bài viết khác về quyển sách đặc biệt này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.